Phát biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị lãnh đạo các ngành, các địa phương, các chủ doanh nghiệp, khi bàn về việc làm sao để tăng trưởng bền vững, hiệu quả cao hơn, phải trả lời được 5 câu hỏi.
Theo đó, cần trả lời được các câu hỏi: Người lao động được đào tạo ở đâu? Khoa học công nghệ (KHCN) ở đâu? Vốn từ đâu? Đất ở đâu? Thị trường ở đâu?
|
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh: HNV) |
Xuất phát điểm của Việt Nam và các nước là rất khác nhau về trình độ phát triển như: Hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thiết bị, công nghệ, cơ cấu nền kinh tế, trình độ KHCN, mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Việt Nam lại bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, mới bắt tay vào công cuộc xây dựng lại và phát triển đất nước từ năm 1975, đó là khó khăn tự thân của đất nước trong quá trình phát triển kinh tế so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Quá trình phát triển đòi hỏi phải có vốn đầu tư, tăng vốn đầu tư để cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa sản xuất. Một nước nghèo thì khả năng tự tiết kiệm để đầu tư là hạn chế, vì vậy phải có một quá trình tích lũy vốn và đầu tư hàng chục năm mới thực hiện được cơ khí hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa nền kinh tế. Thực tế, từ năm 2000 đến 2013, mặc dù khoảng cách về vốn đầu tư toàn xã hội/người lao động của các nước so với Việt Nam đã được thu hẹp đáng kể, nhưng mức độ chênh lệch vẫn còn lớn: Nhật Bản gấp Việt Nam 76 lần năm 2000 giảm xuống còn 20 lần vào năm 2013; Singapore gấp 66 lần giảm xuống còn 22 lần; Hàn Quốc gấp hơn 34 lần giảm còn 21 lần; Malaysia gấp gần 11 lần giảm còn 6,5 lần; Thái Lan gấp 3,5 lần giảm còn gần 3 lần. Khả năng tự tích lũy để tái đầu tư thấp dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia đầy đủ vào tất cả các khâu của chuỗi sản xuất hàng hóa, do đó giá trị gia tăng tạo ra chưa cao.
Thêm nữa là trình độ công nghệ thấp, lạc hậu đang cản trở phát triển bền vững của đất nước. Theo kết quả tổng điều tra doanh nghiệp trong giai đoạn 2000-2011, mặc dù có xu hướng giảm dần nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp vẫn chiếm bình quân gần 60% tổng số doanh nghiệp tham gia điều tra. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình thấp chiếm gần 29%. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình cao chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 2%. Để khắc phục tình trạng này phải tăng đầu tư để bổ sung và hiện đại hóa thiết bị công nghệ ở hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Trong môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, hiện nay, KHCN được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững. Thực tế này đang đặt ra cho chúng ta (cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô) những yêu cầu bức thiết về đổi mới công nghệ, về sự tồn tại và phát triển của bản thân mỗi doanh nghiệp và cả quốc gia. Đổi mới công nghệ là việc chủ động thay thế phần quan trọng (cơ bản, cốt lõi) hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn. Đổi mới công nghệ có thể chỉ giải quyết bài toán tối ưu về các thông số của quá trình sản xuất như: năng suất, chất lượng, hiệu quả… hoặc có thể nhằm tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thị trường. Đổi mới công nghệ cũng có thể trên cơ sở đưa ra hoặc ứng dụng những công nghệ hoàn toàn mới chưa có trên thị trường hoặc là thông qua việc chuyển giao công nghệ…
Nền kinh tế nước ta hiện vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ lao động nói chung vẫn còn thấp. Mặc dù cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay đang từng bước chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhưng lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2014, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp khoảng 18% GDP nhưng chiếm đến 47% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ lao động nông nghiệp thấp hơn nhiều: Thái Lan - 39%, Trung Quốc - 34%, Malaysia – 11%, Hàn Quốc – 6,5%, còn Singapore chỉ có khoảng 1% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam mặc dù tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn ở mức thấp: năm 2000 – 16%, năm 2005 – 26,2%, năm 2010 – 40%, năm 2013 ước đạt 49%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Singapore năm 2013 là 61,5%, Hàn Quốc là 62%. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải khẩn trương tiến hành có hiệu quả tái cơ cấu trong giáo dục – đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào.
Có một thực tế nữa ở nước ta hiện nay là nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng của các địa phương là rất lớn trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách trung ương lại rất hạn chế. Có không ít tỉnh/thành phố vẫn có thói quen “trông chờ” vào sự cấp phát vốn của Trung ương. Đã đến lúc chính quyền các địa phương cần thay đổi tư duy về tài chính công, để tìm một hướng đi mới trong việc huy động và đa dạng hóa nguồn vốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, chính quyền các địa phương nhất thiết phải cải thiện hiệu quả đầu tư, đồng thời thúc đẩy hoàn thiện cơ chế tài chính dựa trên thị trường. Theo đó, chính quyền các địa phương có thể huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng qua nhiều kênh khác nhau. Thị trường vốn hiện nay rất đa dạng, như thị trường trái phiếu chính quyền địa phương, vốn vay ngân hàng, vốn từ nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án đầu tư đối tác công - tư (PPP), đất, quỹ phát triển địa phương.
Bên cạnh những yếu tố trên, việc quan tâm tới vấn đề thị trường - đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng là một trong những nội dung quan trọng. Làm tốt công tác thị trường cũng chính là đảm bảo tính khép kín bền vững của quy trình sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc tập trung quan tâm ổn định thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng gia tăng giá trị cũng là cách thức hiệu quả để chúng ta duy trì sự phát triển bền vững. Muốn làm vậy, các ngành sản xuất kinh doanh phải nâng cao tinh thần chủ động, có chính sách phát triển phù hợp trên cơ sở Nhà nước có những điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.
Có thể thấy, việc giải đáp một cách cụ thể 5 câu hỏi lớn mà Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu ở trên sẽ là cách để chúng ta đáp ứng được yêu cầu của tăng trưởng bền vững trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay./.
Nguồn: CPV,07/11/2014/Lê Nguyễn