25/12/2014 01:32

Thu ngân sách Nhà nước năm 2014 đạt 106,2% dự toán

Ngày 24/12/2014, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015.

 


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

(Ảnh: BTC)


Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thu NSNN tính đến ngày 22/12/2014 là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội. Trong đó: thu nội địa đạt 105% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 104,5% dự toán, bằng 100,1% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.


Chi NSNN đảm bảo theo dự toán được giao. Trong điều hành, đã đảm bảo nguồn theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán được giao; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ, thiên tai, dịch bệnh gây ra; bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công tác huy động vốn được triển khai quyết liệt, nhờ đó đảm bảo nguồn bù đắp bội chi NSNN, đáp ứng nhu cầu cho đầu tư phát triển và các nhu cầu khác của NSNN. Khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tăng 39%, kỳ hạn dài hơn.


Bên cạnh nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, Bộ Tài chính tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo khả năng trả nợ. Cụ thể, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Tình hình thực hiện vay, trả nợ năm 2013 và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ năm 2014; hạn mức vay thương mại nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh năm 2014; Phê duyệt phương án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế. Trên cơ sở đó đã tổ chức phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 4,8%/năm, thấp hơn khoảng 2%/năm so với mức lãi suất của các trái phiếu cũ.


Một số nhiệm vụ trọng tâm khác cũng đã được toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện và phối hợp thực hiện trong năm 2014, đó là: Tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát; Tái cơ cấu nền kinh tế. Đảm bảo an sinh xã hội;Công tác xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách.


Riêng nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết liệt đẩy mạnh triển khai hiện đại hoá gắn với cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế: đã rà soát, hệ thống hoá 645 thủ tục hành chính; đã rút ngắn 54% số giờ nộp thuế . Ước tính có khoảng 95% số doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế điện tử; đã thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử ở 18 địa phương.

Năm 2015, ngành tài chính đặt mục tiêu hoàn thành dự toán thu cân đối NSNN là 911,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 18,9%GDP. Quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Dự toán chi NSNN năm 2015 được Quốc hội quyết định là 1.147,1 nghìn tỷđồng, tăng 140,1 nghìn tỷ đồng (13,9%) so dự toán năm 2014 (song chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tăng chi tối thiểu). Điều hành bội chi NSNN không quá 5% GDP.


Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015 có vị trí rất quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015, là năm thứ năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và chiến lược tài chính 10 năm 2011-2020 và là năm bản lề để tạo tiền đề thực hiện kế hoạch 2016-2020. Đồng thời, cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn cấp quốc gia.

Bộ trưởngnhận định, tình hình hiện nay cho thấy, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2015 còn rất khó khăn, nguy cơ suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển là rất lớn do ảnh hưởng của các xung đột vũ trang và bất ổn chính trị. Giá cả hàng hoá thị trường thế giới biến động mạnh, đặc biệt là dầu thô và các mặt hàng năng lượng khác. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành chỉ tiêu của ngành tài chính năm 2015, Bộ trưởng nhấn mạnh ngành tài chính tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp điều hành kinh tế- xã hội và NSNN trên tinh thần tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%, cao hơn năm 2014, tạo đà để tăng trưởng đạt mức cao hơn trong giai đoạn 2016-2020; yêu cầu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5%, ổn định tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư.


Các Bộ và địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới theo đúng quy định, bảo đảm không thấp hơn so với dự toán được giao; phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô. khẩu để thu đạt và vượt dự toán được Quốc hội quyết định.


Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu, nhất là cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp, thoái vốn, xử lý công nợ, phá sản, giải quyết lao động dôi dư. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm đảm bảo việc triển khai theo đúng lộ trình đã được phê duyệt. Tăng cường chức năng quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước.


Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, dịch vụ kế toán, kiểm toán nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển đồng bộ thị trường vốn. Tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về thuế và hải quan, rút ngắn số giờ nộp thuế, phấn đấu trong năm 2015 đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6 (là 171 giờ/năm, trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ; thời gian làm thủ tục bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ), tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế…/.

Theo ĐCSVN/M.P