Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019, chiều 28/12, tại Trung tâm Thương mại Dầu khí Hà Nội, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Thanh niên tình nguyện”.
Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, anh Trần Vũ Duy Mẫn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHTN Việt nam, Chủ tịch Hội LHTN TP. Đà Nẵng khẳng định: Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ thanh niên Việt Nam đã có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, thực hiện nhiều việc làm thiết thực được dư luận và xã hội đánh giá cao. 15 năm qua, phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng; nội dung và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
|
Diễn đàn "Thanh niên tình nguyện" - Ảnh: HM
|
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên có lối sống đẹp, sống có ích, biết hy sinh quyền lợi riêng vì lợi ích chung của tập thể. Các mô hình tình nguyện đã tạo sức lan tỏa to lớn đến các tổ chức xã hội, thực sự khẳng định được tinh thần cống hiến và trưởng thành của thanh niên Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Từ những góc độ khác nhau, các đại biểu đã nêu bật những mặt mạnh, yếu, những việc làm được và những việc chưa làm được trong quá trình triển khai thực hiện phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Từ đó rút ra những bài học quý báu, đề xuất những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp cụ thể để phát triển phong trào nên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, một số hoạt động tình nguyện còn hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa bám sát nhu cầu của thực tế. Vai trò của tổ chức Hội trong các phong trào “Thanh niên tình nguyện” chưa được phát huy; một số cơ sở Hội còn thiếu năng động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, tổ chức phong trào.
Anh Chử Nhất Hợp, Chủ nhiệm Hội Thanh niên hiến máu tình nguyện Hà Nội cho biết: Trên 60% lực lượng hiến máu tình nguyện trong những năm qua trên địa bàn Thủ đô là của thanh niên. Những giọt máu hồng của các tình nguyện viên đã giữ vai trò rất lớn trong việc giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo tìm lại được sự sống.
Anh Hợp cho rằng, khi tổ chức hoạt động tình nguyện phải quan tâm đến lợi ích hai chiều. Trước hết là phải quan tâm đến lợi ích của các bạn tình nguyện viên, sự quan tâm, động viên khích lệ cũng là một cách để thu hút thanh niên tham gia vào những hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Mặt khác, mỗi một hoạt động tình nguyện khi được tổ chức thì phải đảm bảo mục đích cụ thể, rõ ràng, thể hiện rõ vai trò tham gia của các tổ chức Hội.
Vì vậy, anh Hợp đề xuất Hội LHTN TP Hà Nội và Trung ương Hội LHTN Việt Nam cần có định hướng cụ thể trong phong trào tình nguyện; có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời, góp phần kết nối hiệu quả giữa tổ chức hội với thanh niên, giữa các lực lượng xã hội với tình nguyện viên là thanh niên đã mang lại lợi ích cho những đối tượng được thụ hưởng các chương trình.
|
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến để đưa phong trào thanh niên tình nguyện phát triển lên một tầm cao mới - Ảnh: HM
|
Nói về chính sách cho thanh niên tình nguyện, anh Hoàng Bá Nam, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Từ thực tiễn của phong trào “Thanh niên tình nguyện” cho thấy nhu cầu làm tình nguyện của thanh niên và xã hội là rất lớn. Thanh niên ngày nay đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong tham gia các hoạt động tình nguyện, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Tuy nhiên, anh Nam cho rằng, thực tế có nhiều chương trình tình nguyện bị một số tổ chức xã hội lạm dụng, dựa vào hoạt động tình nguyện để thu lợi bất chính, với vai trò của mình, Hội cần tìm ra giải pháp giải quyết triệt để. Hai là, cho đến nay vẫn chưa chưa có cơ chế chính sách rõ ràng dành riêng cho người tham gia hoạt động tình nguyện. Thực tế cho thấy, nhiều thanh niên khi làm tình nguyện đã gặp phải những tai nạn đáng tiếc ngoài mong muốn, có nhiều thanh niên đã vĩnh viễn không trở về… nhưng không có cơ chế chính sách đảm bảo quyền lợi cho họ.
Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, các cấp Hội tham mưu cho cấp ủy Đảng, các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế, chính sách cho những thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện. Chẳng hạn như việc mua bảo hiểm cho thanh niên khi tham gia các hoạt động này, như vậy sẽ khuyến khích thanh niên tham gia các phong trào tình nguyện hơn.
Mặt khác, cần có cơ chế cho tổ chức Hội trong việc gắn kết các đội, nhóm làm tình nguyện, giữ mối liên hệ thường xuyên với các tổ chức, đơn vị liên quan để phát huy các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào “Thanh niên tình nguyện”.
Nguồn: ĐCSVN/Hoàng Mẫn