07/11/2014 01:32

Người Mỹ trọng tuổi trẻ, người Việt trọng người già

Nữ tiến sĩ người Mỹ Lorelle Browning ngỡ ngàng trước văn hóa đề cao người già ở Việt Nam và trăn trở trước sự xói mòn các giá trị đó.

(VOV) Văn hóa Việt Nam và văn hóa Mỹ có các cách nhìn nhận khác nhau về gia đình. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nữ tiến sĩ người Mỹ, Lorelle Browning, người có những kiến giải vừa thú vị vừa đáng suy ngẫm. Bà tỏ ra ngưỡng mộ văn hóa coi trọng người già ở Việt Nam và lo ngại trước ảnh hưởng của phương Tây. Trong mắt Browning, văn hóa đó dường như chỉ có mặt tích cực. Và bản thân bà đã chịu ảnh hưởng của lối sống Việt. Bài viết nguyên bản bằng tiếng Anh được đăng trên tạp chí Vietnam Cultural Window.

Có lẽ nhiều người Việt Nam cũng biết, xã hội Hoa Kỳ ít hướng tới gia đình hơn xã hội Việt Nam. Con cái ở Mỹ được khuyến khích sống độc lập, rời bỏ nhà bố mẹ mình ở tầm tuổi 19 - 20, để đi học đại học, kết hôn, hoặc tách ra sống riêng. Nếu thanh niên Mỹ mà không làm vậy thì họ sẽ bị coi là "khác người". Thực sự thì, trong nền văn hóa coi trọng giới trẻ của Mỹ, thanh niên ít nhiều đều chịu áp lực phải sống tự lập, tách rời cha mẹ và lựa chọn hướng đi riêng. Trái ngược với xã hội Việt Nam, trong xã hội Mỹ rất hiếm cảnh "nhị đại hoặc tam đại đồng đường". Hệ quả là, khi cha mẹ trở nên già cả ốm yếu, họ phải tự lo lấy thân mình.

Ở Mỹ có các hệ thống xã hội giúp đỡ người dân khi họ cao tuổi, như là hệ thống hưu trí, an sinh xã hội, Medicare, và các phúc lợi khác, tuy nhiên những thứ như thế này thường không đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng người già.

Những người con trưởng thành thường chuyển tới các thành phố khác, cách xa cha mẹ, nên rất khó để họ có thể giữ liên lạc gần gũi với cha mẹ già của mình và giúp đỡ họ lúc khó khăn. Rất phổ biến tình trạng các gia đình chỉ gặp nhau một hoặc hai lần trong năm vào các dịp đặc biệt như Lễ Tạ ơn, Giáng sinh, hay các kỳ nghỉ hè.

Thực tế này tạo ra một bất lợi lớn cho các bậc cha mẹ cao niên. Họ không được con cái đỡ đần hay ở bên quan tâm hỏi han. Họ cũng thường xuyên không được thấy các cháu của mình. Như chúng ta đều biết, có cháu chắt trong nhà hay gần nhà là niềm vui lớn, nhưng nhiều người Mỹ cao tuổi không được hưởng niềm vui đó. Kết quả là nhiều bậc cha mẹ già cả bị bỏ lại một mình và phải tự chăm sóc bản thân, nhất là khi chồng hay vợ của họ bị ốm hoặc qua đời.

Với tư cách là một người Mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các truyền thống gia đình và văn hóa Việt Nam, tôi dần nhận ra một điều là có nhiều người Mỹ già yếu phải sống trong cô đơnkhốn khó. Nhiều người không có đủ tiền để được hưởng chăm sóc y tế hoặc chi trả sinh hoạt phí, khiến họ phải sống vật vã trong phần đời còn lại. Đương nhiên, vẫn có nhiều người con trưởng thành ở Mỹ cố gắng giúp đỡ và quan tâm đến cha mẹ cao tuổi, nhưng sự chăm sóc đó hiếm khi đủ đầy để có thể đáp ứng hết nhu cầu của cha mẹ họ và làm vơi đi nỗi cô đơn trong mỗi bậc sinh thành.

Ở Mỹ có những nhà dưỡng lão được lập ra để chăm sóc những ai không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Bị gửi vào trại dưỡng lão là một cơn ác mộng đối với nhiều người già. Mặc dù vẫn được con cái thăm nom, đa phần thời gian của họ là nằm quạnh hiu trên giường. Các nhân viên của viện dưỡng lão thường được nhận mức lương thấp nên họ ít khi chăm sóc đầy đủ cho người già ở đây.

Trong trại dưỡng lão, có rất nhiều vấn đề như điều kiện vệ sinh không được tốt, tình trạng lở loét do nằm nhiều, chăm sóc y tế sơ sài và bệnh trầm cảm nặng. Nhiều người già bị cho uống thuốc để khỏi phiền nhiễu các bệnh nhân khác hoặc bớt… đưa ra các đòi hỏi đối với nhân viên dưỡng lão.

Thông qua nhiều chuyến đi tới Việt Nam và những người bạn mà tôi có được ở đây, tôi dần đi tới chỗ tin rằng một trong các nghĩa vụ lớn nhất của mình là đối với người mẹ già yếu góa bụa. Trước khi bố tôi mất, tôi đưa hai bố mẹ từ California tới sống ở Porland, Oregon, để được ở gần tôi.


Ở Việt Nam, người già thường sống bên con cháu
(ảnh: Kenh14)
 


Cha mẹ tôi có nhiều bạn bè ở California nhưng vẫn chấp nhận rời bỏ nơi đó (dù khá khó khăn) bởi các cụ nghĩ rằng sống gần con gái sẽ tốt hơn cho cả hai người, vì tôi sẽ tiện chăm sóc các cụ lúc sức khỏe họ ngày càng kém đi.

Hồi trẻ, tôi tập trung gây dựng sự nghiệp và chấp nhận thực tế cha mẹ sống cách xa mình hàng trăm dặm. Nhưng khi tất cả chúng tôi đều đã có tuổi, còn bản thân tôi thì tiếp xúc nhiều với cấu trúc và trách nhiệm gia đình Việt, tôi bắt đầu thấy rằng tôi không chỉ phải chăm sóc cho cha mẹ già mà còn có bổn phận ở bên họ sau bao năm tháng hai cụ chăm sóc, nuôi dưỡng tôi với muôn vàn tình yêu thương. Đó là cơ hội để tôi đền đáp công lao của cha mẹ.

Mỹ là một nền văn hóa hướng tới giới trẻ. Điều đó có nghĩa rằng, các giá trị như trẻ trung, xinh đẹptự lập rất được trọng vọng trong xã hội. Có những xung đột giữa các thế hệ, khi giới trẻ nổi loạn chống lại cách nghĩ truyền thống của cha mẹ. Và cái giá của nền văn hóa lấy giới trẻ làm động lực là không nhỏ.

Với quá trình phát triển kinh tế, hội nhập thế giới, văn hóa Việt Nam đang được "Tây hóa" ở nhiều mức độ, ngày càng chú trọng vẻ đẹp xuân sắc

Qua nhiều năm, tôi nhận thấy Việt Nam đang thay đổi, khi các truyền thống gia đình suy yếu còn văn hóa thanh niên thì trở nên mạnh hơn. Tôi lo lắng về điều này, vì một trong các giá trị lớn của văn hóa Việt Nam là gia đình và các mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ.

Việt Nam có nhiều thứ để dạy cho Mỹ và các nền văn hóa khác, về bổn phận, sự vâng lời, và thái độ biết ơn từ phía con cái.

Thế nhưng, các ảnh hưởng từ truyền thông và internet đang làm xói mòn cấu trúc gia đình thiêng liêng của người Việt. Tôi chợt tự hỏi rồi đây người già ở xứ sở này sẽ ra sao? Làm thế nào để các giá trị thiêng liêng đó tiếp tục được truyền lại cho thế hệ sau? Xã hội sẽ chăm sóc như thế nào cho người già không còn giữ nhiều liên hệ với con cháu và sống khác với con cháu?

Trong tầm 2 thập kỷ nữa, giống như ở nước Mỹ chúng tôi, Việt Nam có thể cần đến nhiều viện dưỡng lão, nơi người già tới đó chỉ để giã từ cõi đời trong sự thiếu vắng tình thương của gia đình và bè bạn. Tôi tin rằng điều này nếu xảy ra sẽ là một thảm kịch lớn./.

(Nguồn: VOV.vn)