17/01/2015 00:42

Năm 2014, tranh chấp lao động tập thể giảm cả về quy mô, số lượng

Ngày 15/1/2015 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quan hệ lao động năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng chủ trì Hội nghị.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2014, thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương tiếp tục được cải thiện, đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng. Tình hình thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể tiếp tục được cải thiện. Tính đến ngày 30/12/2014, theo báo cáo của 47 tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có 70,91% đơn vị, doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể.

 


Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quan hệ lao động năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 - Ảnh: Minh Châu 

Bên cạnh đó, tình hình tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc tập thể đã có một số chuyển biến tích cực, giảm cả về quy mô, số lượng. Trong năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 287 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, giảm 64 cuộc so với năm 2013, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam.

Tuy nhiên, chênh lệch lớn về thu nhập giữa các loại lao động trong một doanh nghiệp, giữa các ngành nghề, khu vực kinh tế vẫn là một thực tế đang tồn tại ở một số địa phương. Theo báo cáo chưa đầy đủcủa 22 công đoàn tỉnh, ngành số tiền doanh nghiệp nợ lương người lao động trên 528 tỷ đồng; cả nước xảy ra trên 3.500 vụ tai nạn lao động làm trên 3.574 người bị nạn, 324 người chết. Tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động vẫn khá phổ biến, có tính chất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định, những kết quả tích cực đạt được trong công tác quan hệ lao động năm 2014 mang lại những lợi ích, hiệu quả nhất định cho người lao động. Tuy nhiên, số lượng thỏa ước lao động tập thể có chất lượng tốt còn thấp, nhiều vấn đề cốt lõi như lương, bảo hiểm vẫn chưa được giải quyết, những vướng mắc về chính sách pháp luật vẫn chưa được xử lý.

Trong năm 2015, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu công đoàn các cấp tiếp tục nghiên cứu, tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên và người lao động như Luật An toànvệ sinh lao động, dự thảo chương Tố tụng lao động trong Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, tập trung thực hiện chương trình "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể"; tổ chức khảo sát tình hình thu nhập, tiền lương của người lao động khu vực doanh nghiệp đồng thời, chủ động phối hợp và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, việc thực hiện pháp luật lao động, luật Công đoàn, luật Bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp; tăng cường nhận thức về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Nguồn: ĐCSVN/ Minh Châu

0