08/12/2014 08:05

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng

Nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng GDP quý III năm 2014 đạt mức tương đối cao là 6,2%, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng 9 tháng lên 5,6%. Nhìn chung, tăng trưởng của các ngành kinh tế chính (trừ dịch vụ) đều đạt mức cao hơn so với 2013. Dựa trên dấu hiệu tích cực này, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ tăng lên mức khoảng 5,6%.

Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm xuống mức 2,6% vào tháng 11 năm 2014, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2009. Lạm phát của Việt Nam dừng ở mức thấp một phần nhờ nguồn cung lương thực phẩm dồi dào, giá năng lượng giảm. Tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định kể từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng 1% hồi tháng 6/2014. Cán cân thanh toán vãng lai mạnh hơn đã giúp Việt Nam tăng dự trữ ngoại tệ lên mức tương đương 3,1 tháng nhập khẩu vào tháng 6 năm 2014 từ mức 2,4 tháng vào tháng 12 năm 2013. Những diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực này đã góp phần cải thiện mức xếp hạng rủi ro tín dụng quốc gia của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, với mức lãi suất 4,8%/năm.

Mức độ rủi ro nợ công thấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2014 ước tính đạt 759,7 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 513,2 nghìn tỷ đồng, bằng 95,2%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2014 ước tính đạt 894,2 nghìn tỷ đồng, bằng 88,8% dự toán năm. Theo phân tích bền vững nợ do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện hồi tháng 6/2014, thì Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có mức độ rủi ro thấp về mức độ nợ công. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng khá nhanh của tổng nợ công trong vài năm gần đây đang trở thành vấn đề gây nhiều quan ngại. Chính sách tài khóa trung hạn cần hướng tới việc củng cố tài khóa hơn nữa trong bối cảnh dư địa tài khóa đang bị thu hẹp, và cần tính đến những rủi ro về nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Quá trình có thể được hỗ trợ thông qua việc mở rộng nguồn thu thuế, rút dần các biện pháp miễn thuế và không tiếp tục giảm thuế suất, giảm mức tăng trưởng chi tiêu, cải thiện hiệu quả đầu tư công và mở rộng quy mô áp dụng khung ngân sách trung hạn mà đã được thí điểm ở một số bộ, ngành để triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội khi Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế theo định hướng thị trường nhiều hơn.

1

 Ảnh chỉ có tính minh hoạ (Nguồn: hochiminhcity.gov.vn)


Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra, phần nào ảnh hưởng hưởng đến nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện đẩy nhanh tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng cho vay phần nào vẫn yếu, một phần do chất lượng bảng cân đối tài sản của các ngân hàng còn xấu. Một phần do các ngân hàng cũng còn quan ngại về “sức khỏe” tài chính của các doanh nghiệp đi vay, do thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi, và do cầu tín dụng còn yếu với nguyên nhân xuất phát từ mức độ niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư thấp. Việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh như vậy sẽ khó có khả năng mang lại tác động đáng kể tới tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, mức tiền gửi trong khu vực ngân hàng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ lành mạnh, từ đó đảm bảo mức thanh khoản phù hợp cho các hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục trong tình trạng khá tương phản trong quá trình phục hồi kinh tế. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tâm lý kinh doanh của khu vực FDI đã cải thiện trong vòng 1 năm qua. Phản ánh thái độ tương đối lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của khu vực sản xuất đã đạt mức 51 điểm vào tháng 10, một tín hiệu cho thấy khu vực này sẽ tiếp tục mở rộng. Trong 11 tháng năm nay, cả nước có 67.790 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 391,3 nghìn tỷ đồng, tuy giảm 4,5% về số doanh nghiệp nhưng lại tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng là 992 nghìn người, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi bối cảnh khó khăn nhưng xét trên khía cạnh quy mô vốn, doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2014 đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.

Tuy vậy, các doanh nghiệp trong nước dường như vẫn chưa vượt qua khó khăn thách thức mà họ đã đối mặt trong vài ba năm qua. Số lượng các doanh nghiệp bị đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm nay, cả nước có 60.340 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn khó khăn. Để sớm có sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết những hạn chế nội tại, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang bị tác động phần nào tiêu cực bởi khả năng hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, do lực cầu nội địa yếu và do môi trường cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ cũng đã triển khai một số biện pháp quan trọng trong năm 2014 nhằm cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 (ngày 18/3/2014) trong đó ưu tiên rút ngắn thời gian xử lý và hoàn thành các thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, và tăng cường mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước. Luật Phá sản sửa đổi được thông qua vào tháng 7 năm 2014 cũng là một nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện khung pháp lý cho các doanh nghiệp.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố

Triển vọng trong trung hạn của Việt Nam cho thấy tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục có bước tiến mới và tình hình ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được củng cố. Theo kịch bản cơ sở thì tăng trưởng GDP ước tính sẽ đạt mức 5,6% cho cả năm 2014, nhờ tăng trưởng trong khu vực sản xuất chế biến, chế tạo, thương mại và nhờ hiệu quả hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Áp lực lạm phát dự báo ở mức thấp trong khi cán thương mại và thanh toán vãng lai tiếp tục thặng dư. Việc Chính phủ tiếp tục cam kết củng cố tài khóa và giảm mức nợ là tín hiệu đáng khích lệ.

Để thực hiện được những mục tiêu đó thì điều hết sức quan trọng là phải cải thiện hiệu quả thu ngân sách, kiểm soát chi thường xuyên tốt hơn, và cải thiện đầu tư công. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn chịu tác động của những rủi ro về kinh tế vĩ mô như: tiến độ tương đối chậm trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng có thể gây tác động bất lợi đối với tình hình tài chính vĩ mô, làm ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng và tạo ra nghĩa vụ nợ tiềm ẩn lớn cho khu vực công; định hướng xuất khẩu mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam khiến cho nền kinh tế này chịu rủi ro trước những diễn biến bất lợi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nước phát triển vốn là nơi hấp thụ phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam…

Nguồn: ĐCSVN/Đ.H