Trong không khí rộn ràng, tươi vui phấn khởi, tối 24/12/2014, hàng triệu người Công giáo trên khắp đất nước đã hân hoan đón mừng lễ Thiên Chúa giáng sinh 2014.
Tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, nơi có tỷ lệ giáo dân đông bậc nhất cả nước, từ chập tối rất nhiều người đã hướng về các nhà thờ đạo để chờ đón các tiết mục văn nghệ Giáng sinh.
Tỉnh Nam Định có 473.000 người Công giáo (chiếm 23% dân số) sinh hoạt tại 600 ngôi thánh đường, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh… nhiều xã có tỷ lệ đồng bào Công giáo chiếm trên 90% dân số, như Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Hưng), Trực Hùng (huyện Trực Ninh)...
Nét chung nhất tại các xứ đạo Nam Định là hầu hết các nhà thờ đều to đẹp, kiến trúc cầu kỳ với tháp chuông rất cao. Đường làng giáo xứ sạch đẹp và đã được bê tông hóa, nhiều nhà tầng khang trang mới xây, đặc biệt người dân các xứ đạo đều thể hiện lối sống thật thà, mến khách. Theo linh mục Lê Văn Luật - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, đó là nét đẹp trong thực thực hiện lối sống đạo giữa đời của người Công giáo và phong trào thi đua yêu nước “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, sống tốt đời đẹp đạo” tại Nam Định.
|
Nô nức đón Giáng sinh tại nhà thờ Phú Nhai (Xuân Trường- Nam Định)
|
Tại các khu vực nhà thờ lớn Nam Định, nhà thờ Khoái Đồng, nhà thờ Phong Lộc (Tp.Nam Định), các bạn trẻ rủ nhau đến chụp ảnh, thưởng lãm rất đông. Giáo dân Nguyễn Văn Cường phấn khởi cho biết, năm nay Giáng sinh vui hơn vì sao bao năm chờ đợi, chúng tôi vừa xây dựng lại được ngôi thánh đường giáo xứ Khoái Đồng to đẹp; khu vực xung quanh nhà thờ cũng được chính quyền tôn tạo làm vườn hoa nên đêm Giáng sinh đẹp hơn rất nhiều. Tại các huyện ven biển của tỉnh Nam Định, các nhà thờ đạo san sát nhau, nhà thờ nào cũng lấp lánh ánh điện, dệt nên bức tranh tuyệt đẹp trong đêm đông. Huyện Xuân Trường (Nam Định) là nơi có nhiều công trình tôn giáo nổi tiếng như Đền Thánh Phú Nhai, Tòa Giám mục Bùi Chu…được trang hoàng lộng lẫy, cùng với những đội kèn đồng hàng trăm nhạc công đã làm vang dậy những khúc hoan ca mừng Chúa giáng trần.
Không giống các xứ đạo ở miền xuôi, Giáng sinh tại Sa Pa (Lào Cai) vui nhưng thanh bình hơn bởi không gian của núi rừng. Đồng bào dân tộc H Mông trong trang phục đặc trưng xuống thị trấn từ sớm để vui chợ rồi đến nhà thờ Sa Pa xem hát Thánh ca và cầu nguyện. Giáng sinh ở đây vừa có có bản sắc dân tộc vừa có chút phong cách hiện đại từ những du khách Tây đổ về. Trong dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch, khu du lịch Sa Pa đón trên 35.000 lượt du khách.
|
Không khí đón Giáng sinh tại Sa Pa (Lào Cai)
|
Đến Giáng sinh ở Sa Pa vang vọng khúc Thánh ca vừa bằng tiếng Kinh vừa bằng tiếng H Mông, gợi bình an, thánh thiện. Thánh lễ Giáng sinh được cử hành từ 9 giờ tối để đồng bào còn có đủ thời gian trở về bản làng.
Ông Má A Lử- cán bộ xã Hầu Thào, Ủy viên Ban Thư ký Hội đồng Giáo xứ Sa Pa cho biết, năm nay, đồng bào dân tộc H Mông rất phấn khởi vì vừa mới khánh thành nhà thờ họ đạo Hầu Thào (xã Hầu Thào, Sa Pa). Nhà thờ có diện tích xây dựng 600m2, mang nhiều nét kiến trúc văn hóa bản địa, hòa quyện với thiên nhiên như một phần tất yếu của núi rừng Tây Bắc. Đồng bào giáo dân người H Mông phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng, không nghe lời kẻ dấu dụ dỗ theo đạo lạ “Vàng Chứ”…
Huyện Sa Pa có hơn 2.300 giáo dân, trong đó gần 2.000 giáo dân là người dân tộc H Mông, sinh sống chủ yếu tại xã Hầu Thào và xã Lao Chải. Những năm gần đây, cùng với những chính sách phát triển của Nhà nước, linh mục chánh xứ Sa Pa Phạm Thanh Bình và các tổ chức giáo hội đã tích cực hỗ trợ đồng bào làm đường giao thông, hỗ trợ kinh phí và nơi lưu trú cho con em đồng bào dân tộc học hành; đồng thời tuyên truyền vận động để xóa bỏ các hủ tục nên chất lượng cuộc sống đã chuyển biến tích cực.
Tại Đắk Nông, một tỉnh có tới 111.000 người theo đạo Công giáo, chiếm gần 22% dân số, những chàng trai cô gái háo hức đổ về các xứ đạo lớn như xứ Quảng Đà (xã Nam Đà, huyện Krông Nô), Vinh An (Đức Minh, Huyện Đăk Mil), Phúc Lộc (Ea T'Ling, Cư Jút), Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa)…Những nhà thờ Công giáo Đắk Nông tháp không cao như ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ nhưng được xây dựng trên nền đất cao, mái dốc gợi đến hình ảnh nhà rông của đồng bào Tây Nguyên. Các hang đá Belem ở các xứ đạo Đắk Nông lớn hơn, có mô hình đàn bò, ngựa, các mục đồng … để tái hiện nơi Chúa sinh ra.
|
Giáng sinh tại xứ đạo Gia Nghĩa (Đắk Nông)
|
Ông Cao Tiến Đạt- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Nông cho biết, trong năm qua, các cấp chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Công giáo xây mới, nâng cấp nhiều ngôi nhà thờ, có 5 nhà thờ đã được cấp phép và đang xây dựng. Đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết cùng cộng đồng các dân tộc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Vũ Đình Khoa, điểm chung nhất trong mùa Giáng sinh 2014 là diện mạo các xứ đạo trên cả nước đều có nhiều nét khởi sắc, bà con giáo dân phấn khởi, đồng bào Công giáo đang ngày càng có thêm nhiều cơ hội để khẳng định mình với tư cách vừa là giáo dân tốt vừa là công dân tốt./.
Bài, ảnh: ĐCSVN/An Luých