Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước, giúp tính chung cả năm 2014, CPI chỉ tăng 1,84% - thấp hơn rất nhiều mức dự kiến mà Chính phủ đặt ra là khoảng 5%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm chỉ số giá giảm khá mạnh là: Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,94%; Giao thông giảm 3,09%; có 4 nhóm hầu như không tăng là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%, thuốc và dịch vụ y tế và giáo dục tăng 0,03%, Văn hóa, giải thích và du lịch tăng 0,07%.
Giải thích nguyên nhân CPI giảm, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, CPI tháng 12/2014 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước điều chỉnh hai đợt giảm giá vào ngày 22/11 và 6/12/2014, (giá xăng giảm 1.460 đ/lít, giá dầu diezel giảm 830 đ/lít, giá dầu hỏa giảm 730 đ/lít) nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09% đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI. Bên cạnh đó giá gas thế giới giảm mạnh nên giá gas trong nước được điều chỉnh giảm 13.000 đ/bình từ ngày 1/12/2014 càng góp phần cho CPI tháng 12 năm 2014 giảm hơn so với tháng trước.
|
CPI tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước. (Ảnh minh họa.Nguồn: plo.vn)
|
Tổng cục Thống kê cũng cho biết CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013. Đây là năm có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Năm 2014, CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, như vậy mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính Phủ đặt ra đã được thực hiện thành công. Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành …kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng là: thiết bị và đồ dùng gia đình, tăng 0,18%, dịch vụ sửa chữa các đồ dùng gia đình, tăng 0,22%; dịch vụ trong gia đình tăng 0,19% do tiền công và tiền lương tăng. Còn thực chất, các mặt hàng thiết bị gia đình có giá giảm nhẹ do các hãng giảm giá để bán hàng tăng doanh thu cuối năm.
Bên cạnh đó, thời tiết mùa lạnh và nhu cầu chuẩn bị cho các dịp Lễ, Tết nên giá một số mặt hàng quần áo mùa đông tăng 3-5%; vải các loại tăng 0,43%; giày dép tăng 0,33%, dịch vụ may mặc tăng 0,56% so tháng trước.
Nhóm lương thực và thực phẩm cũng chỉ tăng rất nhẹ, lần lượt là 0,14 và 0,05%. Nguyên nhân là do vào tháng cuối năm và mùa giáp hạt nhưng giá gạo không tăng cao, chỉ số giá lương thực tháng 12 năm 2014 chỉ tăng 0,14% so với tháng trước do sản lượng lương thực dồi dào. Bên cạnh đó, các hợp đồng xuất khẩu gạo cho năm 2014 phần lớn đã hoàn tất, trong khi chưa có hợp đồng xuất khẩu gạo mới nên các doanh nghiệp không vội mua lúa gạo để dự trữ.
Tại thị trường miền Bắc giá gạo tẻ thường ở mức 11.500đ/kg - 13.000 đ/kg, tại thị trường miền Nam giá gạo tẻ thường 12.500đ -13.500đ/kg, gạo tẻ ngon từ 17.000đ/kg - 19.000đ/kg, gạo nếp thường là 19.000đ/kg - 23.000 đ/kg.
Dự báo về CPI tháng 1/2015, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Bích Lâm cho rằng, mặc dù, tháng 1, là tháng kề cận Tết Nguyên đán nhưng CPI vẫn giữ ở mức thấp. Đây là tín hiệu tốt, nhờ giá xăng dầu liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Giá xăng dầu giảm sẽ kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển thấp… khiến giá cả các mặt hàng tương đối ổn định.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng nhận định, năm 2015, dự báo CPI có thể tăng 5% nếu các biện pháp điều hành của Chính phủ quyết liệt./.
Nguồn: Thúy Hiền/TTXVN /ĐCSVN