06/05/2014 15:55

Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại

Sáng 5/5/2014, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại" với sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 là thắng lợi to lớn nhất của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi này đã tạo một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp; miền Bắc được giải phóng, bắt tay vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cơ sở, hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hà Thảo


Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ diễn ra suốt 56 ngày đêm với phương án tác chiến khoa học “đánh chắc, tiến chắc”, sự tiếp tế kịp thời, tổ chức lực lượng hợp lý, tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” chiến đấu quả cảm, hy sinh của các lực lượng, quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi trọn vẹn vào ngày 7/5/1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, của sự đóng góp, sự hy sinh, tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội và nhân dân Việt Nam; là thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương, sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung chỉ rõ vai trò, vị trí của Điện Biên Phủ trong chiến lược của thực dân Pháp cũng như đối với cách mạng Việt Nam; Khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong việc chọn địa điểm chiến lược, phương thức đánh đến việc huy động lực lượng toàn dân cho chiến dịch lịch sử này. Đồng thời, làm rõ tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sự hy sinh anh dũng và đóng góp to lớn của các lực lượng vũ trang, lực lượng dân công và nhân dân cả nước; Nêu bật ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam nói chung đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cách mạng thế giới.

Bên cạnh đó, các tham luận cũng tập trung làm rõ sức mạnh của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng vì mục tiêu giải phóng và độc lập dân tộc, qua đó nhằm phát huy sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay; Nêu cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện ý chí cách mạng, tăng cường tiềm lực quân sự, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ chế độ trước âm mưu chia rẽ, chống phá của các thế lực thù địch... Thông qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc ta cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Hà Thảo


Khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, GS.NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: Chiến thắng Điện Biên Phủ được tạo nên bởi đường lối kháng chiến đúng đắn, bởi sức mạnh của chiến tranh nhân dân, bởi sự phối hợp của chiến trường toàn quốc và cả Đông Dương; bởi quyết tâm, tinh thần và ý chí chiến đấu của quân đội, bởi sự chỉ đạo chiến dịch sáng suốt. Trong chỉ đạo chiến dịch, sự thay đổi phương châm chỉ đạo tác chiến là một nhân tố quyết định.  Thay đổi phương châm "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" là một quyết đoán táo bạo, kịp thời của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ông là người đã thấy ngay tính mạo hiểm, hậu quả nguy hại của lối đánh nhanh ngay từ đầu và kiên trì chủ trương phải đánh chắc thắng. Đây không phải là sự thay đổi áp đặt từ trên xuống bằng mệnh lệnh, cũng không phải là sự tranh cãi trên lý lẽ mà là sự kiên nhẫn chờ đợi để hội đủ các căn cứ thực tế đủ sức thuyết phục mọi người, tạo nên sự thay đổi về nhận thức, một sự nhất trí tự nguyện trên một chủ trương mới. Đấy là một quyết đoán táo bạo, kịp thời, đúng lúc, biểu thị tài thao lược kiệt xuất, bản lĩnh và năng lực tổ chức tuyệt vời của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu quốc tế, GS.TS Vladimir Kolotov, Đại học Quốc gia Saint Petersburg, Nga nhấn mạnh về vai trò và ảnh hưởng quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo ông, đây là ví dụ tiêu biểu khi suy nghĩ về trí tuệ của một con người có ảnh hưởng to lớn đến các vị tướng, chiến sĩ của mình và đối thủ. Chính điều đó đã góp phần vào thắng lợi của trận chiến, tạo nên bước ngoặt lịch sử và tương lai của Việt Nam và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Chiến công lẫy lừng này đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần khẳng định sự đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới để tiến tới cùng nhau đẩy lùi chiến tranh, tăng cường sự hợp tác toàn diện để xây dựng một thế giới không có chiến tranh, thế giới của sự hợp tác và cùng phát triển./.

Nguồn: ĐCSVN, 5/5/2014, Hà Thảo.