22/05/2015 03:55

Chương trình nghệ thuật “Cha, con và Tổ quốc”: Khắc họa một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Bác Hồ tại Bình Định

Tối 19/5, nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Hội trường trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định, một chương trình nghệ thuật được tổ chức công diễn khắc họa giai đoạn lịch sử quan trọng, mang nhiều dấu ấn trong cuộc đời của Bác cùng với thân phụ tại vùng đất Bình Định.

 


Chương trình nghệ thuật “Cha, con và Tổ quốc”.
(Ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Vụ án Tri huyện Bình Khê Nguyễn Sinh Sắc "đánh chết" điền chủ Tạ Đức Quang đã được quan Pháp ở đồn Đồng Phó báo lên Tòa khâm sứ. Tòa khâm sứ Pháp đã buộc triều đình Huế bãi chức, triệu hồi Tri huyện Bình Khê Nguyễn Sinh Sắc về kinh thành là một trong những nỗi đau mất nước khắc sâu trong tâm khảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi đó 19 tuổi.

Biết mình khó thoát nạn, Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã nói với con rằng: “Con hãy hứa với cha một điều, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, con cũng không được quay về tìm cha. Nước mất thì hãy đi tìm nước, chớ có tìm cha!”.

Thân phụ bị triệu hồi về kinh chịu phạt oan, Nguyễn Tất Thành ở lại phủ Quy Nhơn một thời gian rồi cùng gia đình nhà giáo Phạm Ngọc Thọ vào Phan Thiết và dạy học tại Trường Dục Thanh trước khi vào Sài Gòn, lên tàu viễn dương đi tìm đường cứu nước.

Những diễn biến dồn dập diễn ra trong vòng hơn một năm Nguyễn Tất Thành sinh sống tại Quy Nhơn, Bình Định đã góp phần tạo nên một khí phách thiên tài của Bác mà cho đến nay vẫn ít người biết tới.

* “Cha, con và Bình Định”

Huyện đường Bình Khê xưa, nay thuộc thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, vừa được xây dựng thành một di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của tỉnh Bình Định. Đây chính là nơi Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhận chiếu làm Tri huyện từ tháng 7/1909. Trước đó, vào tháng 5, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành và anh Nguyễn Tất Đạt đã cùng thân phụ vào chấm thi hương tại Trường thi Bình Định. Cụ phó bảng đã gửi Nguyễn Tất Thành trọ học tại gia đình nhà giáo Tây học Phạm Ngọc Thọ để trau dồi kiến thức.

Với vốn Nho học sẵn có do thân phụ cùng Quan thượng thư Đào Tấn, nhà soạn Tuồng lỗi lạc, uyên thâm Nho học và là một vị quan thanh liêm chỉ dạy, với sự tận tình của nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (thân phụ của Giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), đã giúp cho chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hơn về Tây học, Pháp văn. Cùng với nhiều mạch nguồn văn hóa, khí phách dân tộc từ các anh hùng, dũng liệt đất Bình Định như Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng… mà Nguyễn Tất Thành có dịp hun đúc, càng tạo cho trí tuệ của một thanh niên 19 tuổi khi đó vượt qua tầm thời đại; đồng thời cũng thấm dần nỗi đau của người dân mất nước.

Tháng 7/1909, Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến Huyện đường Bình Khê nhậm chức. Hai điều trước tiên Tri huyện Bình Khê nhận được: một là bổng lộc, nịnh hót của bọn Lý trưởng và điền chủ; hai là ngàn nỗi oan khiên tột cùng của dân nghèo Bình Khê. Ngay cạnh Huyện đường Bình Khê là đồn Đồng Phó của Pháp, nơi quân Pháp sẵn sàng đàn áp những người dân vô tội còn những kẻ bán nước thì xu nịnh, bợ đỡ, dựa dẫm để chà đạp lên đồng bào mình. Và, con đường mà Cụ phó bảng - Tri huyện chọn chính là bênh vực cho dân nghèo vô tội bị áp bức.

Trong 6 tháng làm Tri huyện Bình Khê, Cụ phó bảng đã giải thoát bao nỗi oan khiên, áp bức của dân nghèo. Những tên Lý trưởng, điền chủ, ác bá cùng 2 tên quan Pháp đồn Đồng Phó nhiều lần chèn ép nhưng không khuất phục được khí phách của Cụ.

Trong một lần xử án tên điền chủ Tạ Đức Quang cướp đất của dân nghèo, Tri huyện Bình Khê Nguyễn Sinh Sắc đã cho lính đánh Tạ Đức Quang 50 gậy. Hai tháng sau, Tạ Đức Quang vì uống rượu, trúng gió mà chết; quan Pháp đồn Đồng Phó đã báo lên Tòa Khâm sứ rằng Tri huyện Bình Khê đánh chết người vô tội nên buộc triều đình Huế bãi chức, triệu hồi về Kinh. Biết mình khó thoát nạn, ngay trước lúc về Kinh, Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã nói với con rằng: “Con hãy hứa với cha một điều, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, con cũng không được quay về tìm cha. Nước mất thì hãy đi tìm nước, chớ có tìm cha!”. Câu nói ấy càng hun đúc thêm cho quyết tâm giải cứu dân tộc trong lòng người con Nguyễn Tất Thành.

Cha, 6 tháng làm Tri huyện Bình Khê. Con, một năm ba tháng sinh sống và học tập tại Bình Định. Tuy thời gian không dài, nhưng đó là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, đã góp phần tạo nên cốt cách một vĩ nhân vượt tầm thời đại.

* “Cha, con và Tổ quốc”

Người dân Bình Định tự hào vì là địa phương mà 2 cha con Bác Hồ đã gặp nhau, tạm biệt nhau trước khi Bác lên đường tìm đường cứu nước. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định xây dựng Huyện đường Bình Khê trở thành di tích lịch sử văn hóa, nơi giáo dục, hun đúc tinh thần cách mạng, yêu nước cho người dân Bình Định. Khắc họa giai đoạn quan trọng này trong cuộc đời của Bác, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng thành một chương trình nghệ thuật độc đáo để công diễn, quảng bá cho người dân Bình Định và nhiều người biết đến.

Chương trình nghệ thuật “Cha, con và Tổ quốc” đã được công diễn. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, người đã soạn, đạo diễn nhiều vở diễn thành công về Bác Hồ được chọn làm tác giả kịch bản, tổng đạo diễn của chương trình.

Chương trình chỉ gói gọn trong khoảng 2 giờ trên sân khấu, nhưng thật sự đã khắc họa khá sâu sắc, đậm nét và nhiều cảm xúc cho người dân về thời kỳ Bác Hồ sinh sống và học tập tại phủ Quy Nhơn cùng với thân phụ của Người, Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Tri huyện Bình Khê. Sau nhiều tháng chuẩn bị, luyện tập, chương trình đã được công diễn thành công và đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với người dân Bình Định.

Trên một sân khấu mở, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã xây dựng cả những khung cảnh của Huyện đường Bình Khê, cảnh lầm than của dân nghèo, không gian sinh sống của Nguyễn Tất Thành tại nhà của nhà giáo Tây học Phạm Ngọc Thọ… Hàng trăm diễn viên từ Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định), Đoàn Tuồng nghệ thuật Quảng Trị, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, Trung tâm võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định đã nỗ lực suốt nhiều tháng qua để hoàn thành vở diễn. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh tâm sự: “Điều khó khăn để xây dựng chương trình chính là sự kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật vào kịch”. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo được dấu ấn đậm nét cho người xem. Khán giả dễ dàng hiểu rõ những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Bác tại Bình Định rõ ràng, rành mạch và tràn đầy cảm xúc về một giai đoạn thời gian đã góp phần hun đúc tinh thần, cốt cách cho chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Các lớp, màng của vở diễn nối tiếp nhau với sự đan xen của nhiều loại hình nghệ thuật chính kịch, hài kịch, tuồng, điện ảnh, võ thuật… đã tạo ấn tượng khá đặc sắc.

Qua chương trình nghệ thuật này, nhiều người dân Bình Định càng hiểu thêm về Bác, càng có thêm điều để tự hào về Bác và về vùng đất quê hương Bình Định mà sử sách cho đến nay vẫn ít đề cập đến!

Nguồn: ĐCSVN/ Ly Kha/TTXVN