20/07/2015 01:45

Hội thảo 'Tô Hoài – Một đời văn'

Ngày 18/7, hội thảo “Tô Hoài – Một đời văn” tưởng nhớ nhà văn đúng một năm ngày mất của ông, do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp cùng Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức, đã diễn ra tại Thư viện Hà Nội. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu và các học giả.

 


Nhiều bạn trẻ cho rằng đọc văn Tô Hoài là một cách để hiểu về lịch sử
(Ảnh: Phương Thúy/VOV)

Với khoảng 20 tham luận, hội thảo đánh giá cao sức ảnh hưởng của nhà văn Tô Hoài đối với văn học Việt Nam, đặc biệt đối với lứa tuổi thiếu nhi. Thể hiện ở nhiều thể loại khác nhau: Tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, truyện thiếu nhi… cùng với khối lượng lớn tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm “để đời”, Tô Hoài được coi là cây đại thụ của làng văn học Việt Nam. Người ta biết đến ông là biết đến một “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Vợ chồng A Phủ”, “Cứu đất cứu mường”, “Chuyện đầm sen đền Đồng Cổ”, “Quê nhà’, “Quê người”, “Mười năm”, “Miền Tây”… Người ta cũng thừa nhận, ông viết nhiều đề tài, viết đều đặn, bền bỉ, viết như một lẽ sống. Nhìn vào văn nghiệp của ông, có thể nói ít có nhà văn nào ở nước ta viết được nhiều như ông trên các thể loại, đề tài, vùng miền. Và người đọc cũng cảm nhận một “đời văn” đi nhiều, hiểu nhiều, chứng kiến nhiều biến cố của lịch sử, từ những ngày đầu chống Pháp đến những ngày tháng yên vui của hoà bình.

Văn Tô Hoài là văn về những cảnh đời lam lũ, những phận người vất vả, nhất là những người dân quê ven Hà Nội, nơi ông sinh ra và lớn lên. Các tác phẩm của ông mang đậm hơi thở cuộc sống được đúc rút từ chính cuộc đời tác giả, của dấu ấn những nơi ông sống, những nơi ông đến. Cho dù ở thể loại nào, cách thể hiện của Tô Hoài cũng khiến người đọc cảm thấy rất gần gũi, thân thuộc và như tìm thấy chính mình ở đó. Văn của ông là văn của những cái ở đây, bây giờ, ngay cả khi ông viết về quá khứ, viết những chuyện xa xưa và tiểu thuyết. Tính chất phong tục đậm đà, đặc sắc trong các truyện của ông cũng là từ cái nhìn luôn quan sát đời sống mà ra. Và cũng vì thế, không một nhà văn nào sánh được ông về mặt tác phẩm đem lại cho người đọc sự hiểu biết về đời sống thực tế, cụ thể, chi tiết.

Phát biểu tại hội thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội khẳng định: Đối với nhà văn, cái để lại là tác phẩm chịu được sự thử thách của thời gian làm nên giá trị. Thời gian có thể phủ bụi một số thứ nhưng có những thứ càng lùi xa thời gian càng làm sáng lên vẻ đẹp. Trong văn của Tô Hoài có những vẻ đẹp đó, vẻ đẹp của nhân văn cõi đời.

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 ở thị trấn Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), Hà Nội. Bút danh Tô Hoài chính là hợp tên sông Tô và phủ Hoài Đức (địa danh quê ông) và cái tên văn gợi một vùng sống, nhắc một trách nhiệm văn của ông. Ông mất tháng 7 năm 2014./.

Nguồn: ĐCSVN/ Đinh Thị Thuận/TTXVN