06/06/2015 23:46

Thách thức đối với công nghiệp hoá nông nghiệp ở miền Bắc nước ta

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta đã đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Để thực hiện chủ trương trên vừa phải ứng dụng hệ thống công nghệ cổ điển (cơ giới hóa, hóa học hóa, điện khí hóa…) vừa phải tranh thủ ứng dụng hệ thống công nghệ mới (công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa…).

Thách thức lớn

Từ đó, văn kiện đại hội cũng đặt vấn đề phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Trên cơ sở tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng công nghệ hiện đại (nhất là công nghệ sinh học).

Việc thực hiện chủ trương trên gặp nhiều thách thức, mà thách thức gay gắt nhất là nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, phân tán, manh mún. Khi thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (thường gọi là khoán 10), nông hộ trở thành đơn vị kinh tế tự chủ đã kích thích tính năng động của người nông dân và thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, không những đảm bảo nhu cầu nông sản trong nước mà còn tăng xuất khẩu nhiều mặt hàng lên vị trí hàng đầu trên thị trường thế giới. Nhưng khi tiến hành công nghiệp hóa thì kinh tế hộ lại bộc lộ nhiều nhược điểm:

Một là, bình quân diện tích ruộng đất của mỗi hộ quá hẹp, trở ngại cho việc sử dụng máy móc trong các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Dù có thực hiện dồn điền, đổi thửa, vẫn trong tình trạng manh mún.

Hai là, trình độ của đa số nông dân thấp, khó tiếp thu và vận dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Ba là, các hộ gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ đầu vào của sản xuất (như tín dụng, cung ứng phân bón, giống…) và thiếu thông tin về thị trường, thiếu phương tiện bảo quản, vận chuyển nông sản đến thị trường để bán, nên thường bị tiểu thương ép giá, rơi vào cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Hơn nữa, do không đủ điều kiện để chế biến nông sản, nên khó có thể vận chuyển đi xa để tiêu thụ, không hạn chế được thất thoát sau thu hoạch.

Bốn là, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh yếu.

 

 
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)


Cần nhớ lại, ngay sau khi cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: phải tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, rồi khi đã có điều kiện và nông dân yêu cầu thì tiến tới nông trường tập thể. Thế cũng chưa hết, còn phải làm cho nông nghiệp xã hội hóa.

Chúng tôi chưa tìm thấy sự giải thích của Người về phạm trù này. Nhưng Người đã nghiên cứu sâu chủ nghĩa Lênin, có thể Người dùng phạm trù này theo quan điểm của V.I.Lênin. V.I.Lênin đã phân tích quá trình xã hội hóa lao động trong chủ nghĩa tư bản mà nội dung chủ yếu có thể tóm lược như sau: phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tập trung sản xuất, biến nông dân thành công nhân nông nghiệp; tự do lưu động dân cư; giảm tỷ lệ dân cư làm nghề nông, tăng các trung tâm công nghiệp; thay đổi bộ mặt tinh thần của dân cư và tính chất của người sản xuất.

Nếu như nội dung trên vẫn chưa đủ luận giải "làm cho nông nghiệp xã hội hóa", thì chí ít luận điểm ấy của Người cũng chỉ lối cho chúng ta tìm hiểu và vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xã hội hóa lao động nói chung vào nông nghiệp. Nếu không xã hội hóa nông nghiệp, tức là đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn, thì không thể công nghiệp hóa nông nghiệp, vì kinh tế hộ chỉ phù hợp với lao động thủ công và thị trường địa phương nhỏ, hẹp.

Nhưng làm cách nào để đưa kinh tế hộ ở các tỉnh miền Bắc, nước ta lên sản xuất hàng hóa lớn? C.Mác và Lênin thường nhấn mạnh: sự phát triển kinh tế là một quá trình lịch sử tự nhiên. Phải kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong nền văn minh tư bản chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy thử nhìn lại xem, quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn trong lịch sử đã diễn ra như thế nào? Khi nghiên cứu lịch sử của tư bản thương nhân, C.Mác đã phát hiện bước quá độ từ phương thức sản xuất phong kiến lên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được tiến hành theo hai cách. Người sản xuất trở thành thương nhân và nhà tư bản. Đó là con đường thực sự cách mạng. Hoặc là thương nhân trực tiếp nắm lấy sản xuất, bằng cách trực tiếp trở thành nhà công nghiệp, hoặc biến các tiểu chủ thành những người trung gian của mình (ý nói gia công cho các tiểu chủ) hoặc mua trực tiếp của những người sản xuất độc lập (bao mua).

Vận dụng những cách trên vào nông nghiệp có thể hình dung như sau: Thứ nhất, những nông hộ có điều kiện chuyển lên thành trang trại lớn kinh doanh theo đúng yêu cầu của kinh tế thị trường nhằm mục tiêu thu lợi nhuận, toàn bộ các yếu tố đầu vào của sản xuất (giống, phân bón, sức lao động…) và toàn bộ sản phẩm đầu ra đều thông qua thị trường. Chương trình truyền hình "Sinh ra từ làng" trên VTV1 đã giới thiệu nhiều hình mẫu tiêu biểu về cách này. Nhưng hiện nay ở các tỉnh miền Bắc khó nhân rộng mô hình này, vì: số người nông dân có điều kiện về tri thức, về ý chí và tài chính để thực hiện bước quá độ này còn hiếm và còn thiếu chủ trương, chính sách phù hợp để hỗ trợ lực lượng tiên tiến này. Thí dụ, họ rất khó tiếp cận hệ thống tín dụng ngân hàng, hạn mức tín dụng rất thấp, mặc dù đã được nâng lên, và họ không có nhiều tài sản thế chấp. Luật Đất đai quy định hạn điền quá chặt. Mặc dù khi góp ý vào việc sửa đổi Luật Đất đai chúng tôi đã đề nghị: khi chuyển lên sản xuất hàng hóa lớn thì phải bỏ quy định hạn điền, khuyến khích những người không đủ điều kiện và khả năng tự kinh doanh nông nghiệp chuyển quyền sử dụng đất cho người làm ruộng giỏi rồi trở thành công nhân làm thuê hoặc sang làm việc tại các lĩnh vực phi nông nghiệp. Rất tiếc đề nghị trên không được chấp thuận.

Luật Đất đai năm 2013, Điều 129 mục 1 vẫn ghi: "Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau: a) không quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; b) không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác". Điều 12, mục 5 nghiêm cấm: "nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của luật này".

Với quy mô diện tích 02 ha thì chỉ có thể cơ giới hóa bằng những máy móc nhỏ. Nhưng, ngay cả quy mô hạn hẹp này cũng khó đạt vì không dễ thuyết phục các hộ nhượng lại quyền sử dụng đất.

Thứ hai, các công ty thương nghiệp hay các công ty công thương nghiệp, chủ động đứng ra tổ chức việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho các nông hộ. Điều này ở các tỉnh phía Nam thuận lợi hơn. Còn ở phía Bắc gặp khó khăn vì có rất ít các thương nhân kinh doanh nông sản quy mô lớn.

Việc xuất khẩu nông sản chủ yếu do các thương nhân ở phía Nam thực hiện. Ở phía Bắc gặp nhiều trở ngại vì sản xuất nhỏ, manh mún nên chất lượng nông sản không đồng đều; vận chuyển ra cảng biển xa và chủ yếu bằng đường bộ, chỉ một vài tỉnh có thể bằng đường sắt; đường thủy không thuận tiện như ở các tỉnh phía Nam, nên chi phí vận tải cao. Độ ẩm ở miền Bắc cao, lại thiếu kho chuyên dụng nên khó bảo quản nông sản; trình độ chế biến kém. Tỉnh Thái Bình đã có lần thử xuất khẩu gạo, nhưng thất bại, vì khi chuyến xe chở gạo cuối cùng cập cảng thì những bao gạo đầu tiên để trong kho cảng đã bị mốc, không được thuyền trưởng chấp nhận, nên vừa phải chịu phạt vừa phải bán tống, bán tháo gạo mốc cho người dân nuôi lợn. Hà Nam thuận lợi hơn Thái Bình là có thể vận chuyển bằng đường sắt. Nhưng đường sắt với đường ray cỡ 1,1m như hiện nay thì cũng không hơn đường bộ là bao nhiêu. Chính vì thiếu những công ty xuất khẩu nông sản lớn nên các tỉnh miền bắc rất khó xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn như ở An Giang, và rất khó tận dụng cơ hội do Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ mang lại.

Tuy có các chuyên gia từ An Giang đến làm cố vấn, những cánh đồng mẫu lớn thí điểm ở Nguyên Xá (Vũ Thư) và Vũ Hòa (Kiến Xương) tỉnh Thái Bình dù đạt thành tích tốt hơn so với kinh tế nông hộ riêng lẻ, nhưng nhìn chung, vẫn chưa lên được sản xuất hàng hóa lớn. Ở Nguyên Xá, chỉ có trên 50 ha mà có tới 400 nông hộ tham gia, ở Vũ Hòa diện tích 54,7 ha mà tới 603 hộ tham gia. Hơn nữa vẫn chưa có công ty chế biến và tiêu thụ nông sản, vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hoạch, bảo quản, vận chuyển…

Để phát triển theo cách thứ hai này, cần phải có chính sách khuyến khích thành lập các công ty thương nghiệp, hay công ty công thương nghiệp (vừa chế biến vừa tiêu thụ nông sản), hoặc các hợp tác xã mua, bán tiêu thụ nông sản và cung ứng các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Trên truyền hình có nêu một công ty thương mại đứng ra tổ chức liên kết hàng trăm nông hộ cùng sản xuất một loại lúa nếp hoa vàng đạt phẩm chất cao và ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với một siêu thị. Các nông hộ được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, được mua chịu giống, phân bón,… được cung ứng các dịch vụ làm đất, thu hoạch, vận chuyển, chế biến… Nhờ đó thu nhập của các nông hộ tăng lên, ổn định và bản thân công ty thương nghiệp cũng tăng thu lợi nhuận.

Tóm lại, thách thức lớn nhất đối với công nghiệp hóa nông nghiệp ở các tỉnh miền Bắc nước ta là cái biển mênh mông kinh tế nông hộ sản xuất nhỏ, manh mún. Nếu không chuyển kinh tế nông hộ lên sản xuất hàng hóa lớn, hay là không làm cho nông nghiệp xã hội hóa, thì không thể thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp. Đáng lẽ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới vấn đề trên phải được đặt lên hàng đầu, nhưng lại được đưa xuống tiêu chí thứ 13 là hình thức tổ chức sản xuất.

Một số kiến nghị

Để vượt qua thách thức nói trên, chúng tôi kiến nghị các tỉnh ở miền Bắc cần coi trọng ba việc.

Một là, soạn thảo những chính sách tạo điều kiện cho những nông dân có khả năng và ý chí vươn lên làm giàu được tiếp cận thuận lợi với các nguồn lực như tín dụng, đất đai, nhân lực… để thành lập các trang trại lớn.

Hai là, hỗ trợ các công ty thương nghiệp tư nhân hay công ty công - thương nghiệp tư nhân tổ chức liên kết kinh tế nông hộ theo mô hình cánh đồng mẫu lớn nhưng quy mô thích hợp với nhu cầu thị trường hạn hẹp ở miền Bắc (chú trọng các siêu thị). Tốt hơn cả là các Sở Công Thương nên tự tổ chức công ty công - thương nghiệp quốc doanh làm thí điểm để rút kinh nghiệm, nhằm tìm biện pháp thích hợp nhân rộng mô hình này.

Ba là, xuất phát từ nhu cầu của hai loại hình trên và nhu cầu rút bớt lao động khỏi nông nghiệp chuyển sang các lĩnh vực phi nông nghiệp. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, tránh tình trạng đào tạo theo khả năng của các đơn vị đào tạo, nhưng không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nên nhiều người được đào tạo vẫn không tìm được việc làm trong khi các đơn vị kinh tế vẫn thiếu nhân công có nghề./.

Nguồn: ĐCSVN/ GS TS Đỗ Thế Tùng