09/08/2015 02:24

Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du

Nhân kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015), ngày 8/8/2015, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo quốc tế “Đại Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, di sản và các giá trị xuyên thời đại”.

Tới dự hội thảo có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các ủy viên Trung ương Đảng: Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Võ Kim Cự, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh; đại diện các địa phương, đơn vị, cơ quan liên quan; đại diện các đại sứ quán, đại diện của nhiều quốc gia, khu vực và hơn 100 nhà khoa học, nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều trong và ngoài nước.

 


 
Quang cảnh hội thảo


Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo Quốc tế “Đại Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, di sản và các giá trị xuyên thời đại” là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa chính trị - xã hội rất quan trọng. Đại Thi hào Nguyễn Du đã được quốc tế vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Các tác phẩm của Nguyễn Du nói chung và Truyện Kiều nói riêng thể hiện chủ nghĩa nhân văn cao cả, toát lên lòng thương yêu con người, khát vọng vươn lên cái đẹp, cái thiện, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách, văn hóa của con người Việt Nam. Truyện Kiều là di sản văn hóa vô giá, không chỉ của Việt Nam mà còn lan tỏa, được bạn bè trên khắp nơi trên thế giới đón nhận, trở thành tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Đại Thi hào Nguyễn Du - tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh tại kinh thành Thăng Long, ông đã để lại di sản văn hóa đồ sộ gồm cả thơ văn chữ Hán và tiếng Việt. Trong đó truyện Kiều đã khẳng định vị trí số một và từng bước chiếm lĩnh văn đàn thế giới. Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã long trọng tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Năm 2013, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc đã có nghị quyết tổ chức 250 năm Nguyễn Du vào năm 2015. Hội thảo khoa học quốc tế “Đại Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, di sản và các giá trị xuyên thời đại” chính là nơi gặp gỡ của các nhà “Kiều học” và “Nguyễn Du học” trong nước và trên thế giới, nơi thể hiện những tiếng nói chung về những giá trị tinh thần mà Nguyễn Du gửi lại cho hậu thế.

Nhân dịp này, đồng chí Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh: Nhân dân Hà Tĩnh có tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống hiếu học. Nơi đây từng sản sinh những anh hùng dân tộc như Mai Hắc Đế, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập... danh họa Nguyễn Phan Chánh, các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận... mà tiêu biểu là Đại thi hào Nguyễn Du, với di sản văn hóa đồ sộ, trong đó có Truyện Kiều đã đưa nhà thơ lên hàng thi bá thế giới, làm rạng rỡ văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như quê hương Hà Tĩnh trên trường Quốc tế. Đồng chí Võ Kim Cự cũng cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, những năm qua Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã phấn đấu không ngừng vươn lên, đang ngày càng trở thành một tỉnh giàu mạnh. Tỉnh cũng đang tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới của người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập văn hóa trên mảnh đất quê hương mình.

Cũng tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cho biết: Hội thảo quốc tế “Đại Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, di sản và các giá trị xuyên thời đại” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức là một sự kiện văn hóa đặc biệt quan trọng nhằm tôn vinh thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du, Ban tổ chức đề nghị các học giả tập trung suy nghĩ, trao đổi để làm sáng tỏ hơn những vấn đề liên quan đến hai chủ đề lớn là cuộc đời, sự nghiệp, thơ chữ Hán Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều.

Ngun: ĐCSVN/ Truyn Kiều