15/03/2019 22:40

Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên: Điểm tựa vững chắc, hạt nhân quan trọng trong các phong trào ở địa phương

                                                                                                                    TS Đàm Hữu Đắc

                                                                                 Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam

 

Tây Nguyên nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 54.700km2, dân số trên 5 triệu người, 47 dân tộc anh em trong đó 12 dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống. Là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, với nhiều đặc trưng, sắc thái riêng, đồng bào có truyền thống yêu nước nồng nàn, một lòng một dạ đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn; kiên cường bất khuất, cần cù, sáng tạo, đoàn kết xây dựng Tây Nguyên ngày càng ổn định và phát triển.

10 năm qua, các già làng Tây Nguyên tổ chức 10.567 buổi tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tình cảm, tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở những buôn đồng bào theo tôn giáo, các chức sắc, chức việc và người có uy tín thường xuyên phối hợp vận động bà con tín đồ  sống "tốt đời, đẹp đạo".

Các già làng tích cực tham gia sinh hoạt chi hội NCT, nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy với công việc của buôn làng; đi sâu đi sát giúp đỡ, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc đẩy mạnh lao động sản xuất, đổi mới cách làm, phát huy tiềm năng thế mạnh ở địa phương để phát triển. Phối hợp giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, không di cư tự do, không bỏ nương rẫy. Hướng dẫn đồng bào ứng dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, tăng thu nhập; không sang nhượng, bán đất trái quy định. Cùng với các đơn vị quân đội tuyên truyền đồng bào thực hiện hiệu quả công tác định canh, định cư; tích cực tham gia các Chương trình 135/CP, Chương trình 167/CP, Chương trình 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững... Cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, tiết kiệm trong sinh hoạt tiêu dùng; xây dựng thôn, buôn đoàn kết.

Già làng là nhân tố tích cực, là nòng cốt trong các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, bảo vệ an ninh Tổ quốc; tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới. Nhiều già làng tuổi cao vẫn nhiệt tình vận động xây dựng phong trào, giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại bon, buôn làng. Tích cực xây dựng Đảng, chính quyền; đề cao cảnh giác chống lại các âm mưu, thủ đoạn gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của thế lực thù địch. Đóng góp ý kiến quý báu thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện cho ý chí làm chủ của Nhân dân. Trong các buổi họp bon, già làng đứng ra vạch trần những luận điệu tuyên truyền lôi kéo của kẻ xấu; nhờ đó, trật tự trị an được ổn định, không còn tình trạng tụ tập đông người hoặc vượt biên trái phép, đời sống Nhân dân ngày càng nâng cao.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Đàm Hữu Đắc trao Bằng khen

Trung ương Hội cho NCT làm kinh tế giỏi tỉnh Gia Lai

 

Thông qua họp dân, sinh hoạt cộng đồng, các già làng thường xuyên tuyên truyền vận động đồng bào phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, cách mạng, ý chí kiên cường bất khuất của quân và dân các dân tộc Tây Nguyên. Tuyên truyền Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư TW Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới". Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Các già làng có vai trò rất quan trọng cùng với cơ quan quân sự, các ngành, đoàn thể vận động thanh niên lên đường nhập ngũ hằng năm đạt 100% kế hoạch, chất lượng tuyển quân năm sau cao hơn năm trước; động viên con, cháu và thanh niên địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, làm nòng cốt bảo vệ Đảng, chính quyền và Nhân dân ở cơ sở; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc.

Đã có 3.791 già làng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng. Cung cấp nhiều tin có giá trị về tình hình an ninh, chính trị, phối hợp giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp ở địa phương. Tuyên truyền, vận động gia đình, dòng tộc, Nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", "Giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới", "Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới". Vận động thực hiện "Gia đình không có người vi phạm pháp luật, không có người phạm tội, không có người tàng trữ, mua bán và sử dụng ma túy". Nhiều già làng tự nguyện hiến đất xây dựng các chương trình, dự án, công trình phúc lợi xã hội; tuyên truyền đồng bào tự giác giải tỏa, phát nương rẫy bảo vệ khu vực cột mốc, đường tuần tra biên giới, thông qua đó, làm chuyển biến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khu vực biên giới của Tổ quốc.
Hưởng ứng phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng", già làng các dân tộc Tây Nguyên phát huy vai trò và tầm ảnh hưởng đối với cuộc sống hằng ngày của đồng bào ở cộng đồng dân cư; cùng buôn làng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng từng dân tộc. Tuyên truyền con cháu, cộng đồng giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết, truyền thống tốt đẹp; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tham gia xây dựng các quy ước, hương ước của thôn làng; các lễ hội truyền thống như đua voi, đua thuyền độc mộc, cúng lúa mới, hát then... Quá trình tổ chức lễ hội có kèm theo đánh cồng chiêng, kể chuyện xưa, hát sử ca, tạo không khí cởi mở, tăng cường đoàn kết các dân tộc. Tham gia tích cực, giới thiệu những người tiêu biểu, xứng đáng vào các tổ chức chính trị - xã hội. Phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân; đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ chính quyền ở địa phương, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí tại các buổi tiếp xúc cử tri.
Ở Đắk Nông, già làng Điểu Gơu, dân tộc Mnông ở xã Đắk Ru (huyện Đắk Rlấp) còn lưu giữ 7 bộ chiêng có tuổi đời trên 100 năm, dạy cho 40 thanh niên biết đánh cồng chiêng hát kể Sử thi "Ot Nrông", 120 gia đình biết dệt thổ cẩm, làm rượu cần; năm 2009 vận động 4 đối tượng móc nối với những phần tử xấu ra kiểm điểm trước bà con trong bon. Ở Lâm Đồng, phong trào xây dựng nông thôn mới triển khai sâu rộng, đến cuối năm 2018 toàn tỉnh, có 2 huyện (Đơn Dương, Đức Trọng) và 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới có sự đóng góp tích cực của các già làng; nhiều mô hình tự quản, phong trào thi đua ở các thôn, buôn được Nhân dân tham gia tích cực. Các già làng tỉnh Gia Lai tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự với mô hình "Ba phòng, ba chống", "Ba tự quản", "Khu dân cư an toàn, bình yên không có tội phạm", "Tiếng kẻng an ninh", "Liên gia về an ninh trật tự"; cung cấp nhiều tin quan trọng giúp lực lượng Công an phát hiện, đấu tranh với hoạt động Fulrô; vận động đối tượng theo tà đạo Hà Mòn, Pơkhăp BRâu, Tin lành Đê ga quay trở về sinh hoạt tôn giáo chính thống... Già làng ở Kon Tum tuyên truyền vận động quần chúng nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống âm mưu "Diễn biến hòa bình", không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác; thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, làng, tổ dân phố. Buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk có 100% là người dân tộc thiểu số đã tìm ra giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng kinh tế buôn làng phát triển, nhiều hộ vươn lên khá, giàu, không còn hộ đói nghèo.
Già làng các dân tộc Tây Nguyên thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp; là hạt nhân quan trọng trong các phong trào ở địa phương, gắn kết các đồng bào dân tộc thôn, buôn làng. Đặc biệt, là nhân tố tích cực tác động đến kết quả các hoạt động Hội NCT trên địa bàn Tây Nguyên.