10/03/2023 14:55

Trung ương Hội NCT Việt Nam tổ chức Hội thảo Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Ngày 9/3, Trung ương Hội NCT Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, TS. Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội chủ trì Hội thảo.

Cùng dự có TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Ngô Ngọc Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực 1; TS. Nguyễn Thế Huệ, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam; TS. Nguyễn Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam; ThS. Võ Đình Liên, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Trưởng phòng Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường); ông Nguyễn Văn Phương, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Nhân Ái; ông Phạm Hữu Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Nội một nghìn năm và lãnh đạo các Ban, Văn phòng Trung ương Hội NCT Việt Nam.



Quang cảnh Hội thảo. Ảnh Lê Thành

Hội thảo được nghe nhiều ý kiến góp ý chất lượng, sát thực về nhiều vấn đề liên quan đến đất đai. Đặc biệt, các nhà khoa học dành nhiều quan tâm đến chính sách đất cho NCT. ThS. Nguyễn Thị Tư, Trưởng ban Đối ngoại Trung Hội NCT Việt Nam cho biết: Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, nên đề nghị cơ quan soạn thảo đưa nội dung ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất vào việc xây dựng các cơ sở chăm sóc NCT, tạo điều kiện cho NCT; dành quỹ đất xây dựng khu vui chơi công cộng,… cho NCT nói riêng và Nhân dân nói chung.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Thế Huệ phát biểu: Hình như Luật Đất đai chưa quan tâm đến NCT, trong khi đến năm 2036 nước ta bước vào giai đoạn dân số già. Nên ngay từ bây giờ, chúng ta phải quan tâm đến vấn đề này.

Ông Phạm Hữu Thực, phân tích: Đây là bài toán lớn, nhưng chúng ta chưa đánh giá, nhìn nhận một cách thấu đáo. Bởi theo dự báo, đến năm 2050 Việt Nam sẽ có 22,3 triệu NCT. Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay số giường chăm sóc NCT ở Việt Nam mới đạt 0,99 giường/1.000 NCT, trong khi theo quy định của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì phải có 44 giường/1.000 NCT. Hiện Trung Quốc đạt được 8,2 triệu giường, tương đương 32 giường/1.000 NCT; Nhật Bản đạt 69 giường/1.000 NCT. Nếu đến năm 2050, chúng ta phấn đấu đạt gần 1 triệu giường chăm sóc NCT và với chi phí hiện tại khoảng 1 tỉ đồng cho chăm sóc một NCT, bao gồm tất cả các chi phí, dịch vụ,… thì sẽ cần đầu tư 1 triệu tỉ đồng,… nhưng, hiện tại chúng ta chưa quan tam đến vấn đề này.

“Trong khi Luật Đất đai có chính sách nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội,… nhưng không có NCT. Ở góc độ xã hội, gần như chúng ta đã quên đi người đã đóng góp cho xã hội, nhưng đến tuổi nghỉ hưu thì bị bỏ quên. Tôi cho là hơi muộn, nhưng nếu chúng ta không làm ngay và Luật Đất đai không đưa vấn đề này vào thì 10 năm nữa chúng ta sẽ trả giá đắt về việc này”, ông Phạm Hữu Thực nhận định.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc NCT, bà Nguyễn Thị Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Nhân Ái cho biết, chúng ta cần coi việc xây dựng các cơ sở chăm sóc NCT như nhà trẻ. Nên đưa vào quy hoạch dành quỹ đất trong khu dân cư, tại cộng đồng, địa phương. Không thể khi người già nghỉ hưu lại đưa họ đến một nơi xa xôi, hẻo lánh, tách biệt với cộng đồng để chăm sóc.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Văn Hùng đánh giá cao góp ý của các nhà khoa học. Đồng thời chia sẻ: Singapore là đất nước già hóa dân số trước Việt Nam và đã có những thất bại đau đớn trong việc chuẩn bị cho một xã hội dân số già và họ phải điểu chỉnh và dành quỹ đất cho NCT, từ nhà ở, khu vui chơi, cơ sở chăm sóc,…

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào công tác chăm sóc NCT, nhưng đang bị vướng về thủ tục đất đai. Ngay cả Hội NCT Việt Nam được Chính phủ giao thực hiện 3 trung tâm chăm sóc NCT, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đất. Việt Nam số cơ sở chăm sóc NCT có hoàn cảnh đặc biệt, cơ nhỡ, không nơi nương tựa quá thấp, mới chỉ đáp ứng 0,5% kể cả công và tư nhân. Như vậy, rất nhiều NCT thuộc đối tượng này không được vào các cơ sở chăm sóc xã hội.

Phó Chủ tịch Phan Văn Hùng nhấn mạnh: “Vấn đề ở đây là khó khăn về đất đai. Tức là, phải cần có cơ chế đặc biệt trong việc giao đất, giá cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm mục đích chăm sóc NCT… nên hiện tại các doanh nghiệp không mặn mà vì chi phí cao, thủ tục rườm rà. Nếu không giải quyết sớm vấn đề này, chúng ta sẽ không kịp đối phó đến năm 2036, khi nước ta chính thức bước vào thời kì dân số già. Theo đó, hàng loạt các vấn đề về quyền, lợi ích chính đáng của NCT có liên quan đến vấn đề đất đai cần phải được quan tâm… Ví dụ vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất cho việc chăm sóc NCT, quy hoạch bố trí khu vui chơi, sinh hoạt cho NCT trong các đô thị, thành phố, làng bản…

Nhà nước cũng cần quan tâm tới các chính sách giao đất, cho thuê đất, miễn giảm các loại thuế sử dụng đất cho các cơ sở chăm sóc NCT. Việc NCT tham gia quản lí, sử dụng đất, hiến đất cho các công trình xây dựng công cộng, chương trình nông thôn mới và các chương trình của đất nước… Vấn đề NCT tham gia giám sát, phản biện trong quy hoạch, quản lí sử dụng đất; tham gia tư vấn về chính sách, tham gia hòa giải tranh chấp đất đai trong cộng đồng rất cần được nghiên cứu bổ sung và phát huy vai trò NCT”.

Nhất Nam