Đã 74 tuổi, nhưng nghệ nhân Phạm Xuân Hòa, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội vẫn miệt mài với nghề gốm…
Nghệ nhân Phạm Xuân Hòa
Sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm gốm, 7 tuổi ông đã… nặn đất. Để rồi, những năm 1963 – 1971 vào chiến trường miềnNamđánh giặc, ông chỉ mơ ước được trở về làng làm gốm. May mắn hơn nhiều đồng đội, ông trở về và gắn bó với nghề truyền thống cho đến nay.
Hằng ngày, từ sáng sớm đến xế chiều ông cặm cụi trong căn phòng nhỏ trên tầng ba của gia đình để làm từng con chữ. Những con chữ đổ ra từ khuôn được ông phơi khô, gọt giũa cẩn thận. Từ năm 2006, một tuần hai buổi ông đạp xe sang trung tâm TP Hà Nội theo thầy học thêm chữ Nho suốt 7 năm liền. Đến nay ông là một trong số ít nghệ nhân Bát Tràng làm chữ gốm giỏi. Tiếng lành vang xa, nhiều khách từ các tỉnh, thành phố về đặt hàng, làm không hết việc. Ông tâm sự: “Nhiều sản phẩm gốm chỉ cần người thợ bình thường làm được, nhưng làm chữ đòi hỏi nghệ nhân phải biết chữ cổ, hiểu được ý tứ sâu xa và có bàn tay tinh xảo mới khắc được những đường nét mềm mại, tinh tế. Mỗi con chữ không chỉ là sản phẩm đơn thuần được nặn ra từ đất mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa văn hóa”.
Không chỉ yêu nghề, làm nghề, ông Hòa còn cùng người dân Bát Tràng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhiều bạn già thường khuyên ông tuổi cao nên nghỉ ngơi, nhưng ông không thể. “Cả đời gắn bó với nghề giờ không làm việc tôi thấy chân tay thừa thãi khó chịu lắm. Tôi làm để giữ nghề, truyền nghề cho con cháu nhưng cũng chính là để rèn luyện sức khỏe. Làm việc khiến tinh thần tôi thoải mái và sức khỏe dẻo dai”. Cần mẫn, chăm chỉ với bàn tay khéo léo, ông Hòa thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng/tháng; xưởng gia đình ông còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động có thu nhập ổn định. Ông còn tập khí công và đọc sách để trau dồi kiến thức. Năm 2012, ông và con trai cả được nhận 2 trong 5 kỉ lục ghi-nét của làng gốm Bát Tràng. Những năm qua, sản phẩm của ông tham gia nhiều triển lãm làng nghề truyền thống ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với tài năng và đôi bàn tay vàng, nghệ nhân Phạm Xuân Hòa đã góp phần không nhỏ tạo nên những sản phẩm quý giá, tinh xảo, độc đáo, có sức sống lâu dài của làng nghề Bát Tràng. Lòng say mê công việc của ông và nhiều nghệ nhân khác trong làng khẳng định vai trò quan trọng của nghệ nhân cao tuổi trong việc duy trì và phát triển làng nghề.
Nguồn: Báo Người cao tuổi/Kim Long