05/12/2014 02:25

Hội NCT tỉnh Sơn La: Quỹ nhiều, cán bộ mạnh thì phong trào phát triển

Mấy năm gần đây, phong trào hoạt động của các cấp Hội NCT tỉnh Sơn La ngày càng phát triển mạnh mẽ. Có được kết quả đó là nhờ Hội tập trung làm tốt công tác tổ chức cán bộ và xây dựng Quỹ Hội. Phóng viên Báo Người cao tuổi đã phỏng vấn ông Bùi Đăng Du, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội NCT Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực BĐD Hội NCT tỉnh Sơn La về vấn đề này.


Ông Bùi Đăng Du, Phó trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Sơn La
.

PV: - Là tỉnh miền núi, có nhiều xã đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, nhưng phong trào hoạt động của các cơ sở Hội NCT vẫn phát triển mạnh. Ông có thể cho biết bí quyết?

Ông Bùi Đăng Du: - Sơn La là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ảnh hưởng lớn tới công tác phát triển hội viên và chất lượng sinh hoạt của Hội. Tuy nhiên, nếu chọn đúng hướng đi thích hợp, tập trung vào khâu then chốt tháo gỡ khó khăn thì nhất định thành công. Do đó, chúng tôi xác định trước hết phải làm tốt việc củng cố, kiện toàn tổ chức, lựa chọn đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội. Hằng năm, tiến hành rà soát, thay thế cán bộ năng lực, sức khoẻ yếu, tuổi quá cao. Năm 2014, toàn tỉnh có 12 Chủ tịch, 15 Phó Chủ tịch Hội cơ sở và 24 Chi hội trưởng được bổ sung, thay thế. BCH các Hội cơ sở đều xây dựng Quy chế hoạt động. Đến nay, 12/12 BĐD Hội NCT huyện, thành phố được kiện toàn, trong đó 10 BĐD có 2 cán bộ chuyên trách, riêng huyện Thuận Châu bố trí 3 cán bộ chuyên trách. Toàn tỉnh có 204 Hội cơ sở, 3.289 chi hội, đạt 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố có tổ chức Hội NCT. Phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, thành phố tổ chức 63 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 2.418 cán bộ Hội cơ sở. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt, tạo ra sự đổi mới trong công tác lãnh đạo.

PV: - Được biết, Hội NCT tỉnh Sơn La nhiều cách làm sáng tạo xây dựng Quỹ Hội, thúc đẩy phong trào hoạt động đạt hiệu quả cao. Xin ông cho biết cụ thể?

Ông Bùi Đăng Du: - Muốn hoạt động tốt, các tổ chức Hội NCT cần có kinh phí. Nhưng tiền ở đâu ra là bài toán không dễ đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chúng tôi xác định phải huy động mọi nguồn lực để xây dựng quỹ, trong đó tập trung xây dựng Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Tuỳ theo điều kiện từng địa phương mà huy động. Những nơi có doanh nghiệp đóng trên địa bàn, Hội cử người tới vận động ủng hộ đồng thời giao cho hội viên khuyên bảo con cháu, vận động nhân dân giúp đỡ… Ngay khi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ tiền, các cơ sở Hội tổ chức trao Giấy ghi nhận “Tấm lòng vàng” và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng công bố tên doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ. Tham mưu cho chính quyền dành diện tích đất đồi, rừng, ruộng, ao, hồ… cho Hội NCT trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây lương thực, thực phẩm để bán; nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng; nuôi cá kinh doanh. Một số chi hội vận động hội viên góp tiền nuôi bò, dê sinh sản luân phiên chia lãi gây dựng Quỹ Hội. Bằng cách làm trên, năm 2014, 204/204 cơ sở Hội trong tỉnh xây dựng được Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT gửi ngân hàng với tổng số tiền 1,14 tỉ đồng. Quỹ này do UBND xã, phường, thị trấn quản lí, sử dụng chi tiêu phục vụ cho NCT địa phương. Quỹ Hội đạt 6,56 tỉ đồng tập trung chủ yếu ở chi hội thôn, bản, khu dân cư. Chân quỹ có 12,87 tỉ đồng. Quỹ này không cứng nhắc, tùy theo các chi hội quy định cho hội viên đóng góp khi vào Hội (mức đóng thấp nhất 20.000 đồng/người/năm và cao nhất 500.000 đồng/người/năm). Có nơi Hội vận động con cháu và tạo điều kiện để người vào Hội được đóng Chân quỹ làm 2 hoặc 3 lần trong năm. Ngoài hội viên đóng góp, có nơi vận động những cá nhân, các doanh nghiệp cho chi hội vay không lấy lãi để cho hội viên vay lãi suất thấp phát triển kinh tế hoặc gửi ngân hàng lấy lãi bổ sung cho Quỹ Hội hoạt động.

PV: - Chân thành cảm ơn ông!

Hoàng Văn (Thực hiện)
Nguồn: Báo Người cao tuổi