Quỹ chăm sóc NCT trước đây, nay là Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT là Quỹ xã hội, từ thiện ở đơn vị hành chính cấp xã đã được kế thừa từ Pháp lệnh người cao tuổi do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá X ban hành ngày 28/4/2000 và Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 của Chính phủ về quy định và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh người cao tuổi được nâng lên thành Luật người cao tuổi do Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực ngày 01/7/2010.
Thực hiện các văn bản trên, ngày 13/01/2002, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 02/2005 về việc ban hành Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Quỹ chăm sóc NCT ở cấp xã nhằm mục đích huy động nguồn đóng góp của xã hội để chăm sóc NCT; Quỹ không phải là nguồn thu của ngân sách Nhà nước; Quỹ được xây dựng, quản lý và sử dụng không vì mục đích lợi nhuận. Theo đó, cấp xã đều có ban quản lý Quỹ, có quy chế hoạt động được UBND tỉnh uỷ nhiệm cho UBND cấp huyện ra quyết định thành lập. Song, đi vào hoạt động không đều, vận động đóng góp mỗi nơi có cách làm khác nhau, hầu hết khoán trắng cho Hội NCT cơ sở trong công tác vận động thu, thu được cũng chủ yếu để chi thăm hỏi các cụ già yếu, bệnh tật, hỗ trợ khi bị thiên tai, lũ lụt, phúng điếu khi các cụ qua đời, có Hội cơ sở năm đầu vận động được, nhưng năm sau không vận động được, một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa thật quan tâm về ý nghĩa quan trọng của nguồn quỹ này.
Trước những bất cập và khó khăn đó, đầu năm 2012, căn cứ Điều 7 của Luật người cao tuổi, những quy định của Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ và các quyết định, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Ban Thường vụ Trung ương Hội, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh tiến hành tổ chức khảo sát ở nhiều Hội cơ sở trong tỉnh để đánh giá đúng thực trạng tình hình, rút ra những nguyên nhân, kinh nghiệm, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có chủ trương củng cố, kiện toàn để đưa hoạt động Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT cấp xã đúng ý nghĩa, tên gọi của Quỹ và đạt hiệu quả cao hơn. Lãnh đạo Ban Đại diện Hội NCT tỉnh chủ động tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các Sở Nội vụ, Lao động TB&XH, Tài chính, Tư pháp và Văn phòng UBND tỉnh để thảo luận và thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số văn bản có tính pháp quy như: Ban hành Quyết định bãi bỏ Quy chế tạm thời về tổ chức hoạt động của Quỹ chăm sóc NCT năm 2005 của UBND tỉnh trước đây vì không còn phù hợp với pháp luật cả về tên gọi của Quỹ và nội dung hoạt động, đồng thời giao trách nhiệm cho Sở Nội vụ hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ. Đối với Quỹ đã được thành lập thì không phải lập thủ tục xin phép lập lại, chỉ bổ sung hoàn chỉnh một số hồ sơ, thủ tục theo Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ và đề nghị UBND tỉnh cho chuyển đổi tên gọi Quỹ chăm sóc người cao tuổi thành “Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” cho phù hợp với các văn bản pháp luật về người cao tuổi hiện hành.
Thống nhất với các Sở, ngành, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Tài chính nghiên cứu xây dựng và ban hành thống nhất một bộ mẫu thủ tục gồm: Đơn đề nghị đổi tên gọi của Quỹ theo Luật, công nhận Điều lệ và công nhận Hội đồng quản lý Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT của xã, phường, thị trấn gửi đến Phòng Nội vụ để trình Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định (kèm theo biên bản họp cử thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, biên bản kiểm kê Quỹ chăm sóc NCT của xã có xác nhận của UBND cấp xã, Dự thảo Điều lệ Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT cấp xã). Thành phần Hội đồng quản lý Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT cấp xã có 5 thành viên, đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội NCT cấp xã làm Phó chủ tịch Hội đồng, kiêm Giám đốc Quỹ; kế toán và thủ quỹ của Quỹ do văn phòng UBND cấp xã đảm nhận, Quỹ được sử dụng con dấu của Hội NCT cấp xã và mở tài khoản tại Ngân hàng hoặc HTX tín dụng tại địa phương, giám sát kiểm tra hoạt động của Quỹ do Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra Hội cơ sở đảm nhận. Đối với thủ tục của người đứng đầu của Quỹ, thống nhất không cần phải làm lý lịch tư pháp vừa tốn kém, vừa phiền hà, các cụ trong Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ hầu hết là đảng viên, là cán bộ hưu trí từ các ngành đã có lý lịch đảng viên do phường, xã quản lý.
Sau khi thống nhất việc ban hành bộ mẫu về các thủ tục, Sở Nội vụ và Ban Đại diện Hội NCT tỉnh có văn bản hướng dẫn gửi đến cấp uỷ, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Ban, ngành để phối hợp triển khai, cấp huyện cũng tổ chức tập huấn cho chính quyền và Hội NCT ở cơ sở.
Ban Đại diện Hội NCT tỉnh đã trực tiếp tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 26/CT/TU ngày 30/7/2012 về việc tăng cường chỉ đạo công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT trên địa bàn, trong đó có phê bình việc vận động Quỹ trong thời gian qua và yêu cầu phải cần vận động toàn xã hội tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT theo Luật người cao tuổi đạt hiệu quả cao và Hội cũng tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, hằng năm có văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng và phát triển Quỹ, nhiều phường, xã có Nghị quyết HĐND cho phép vận động quỹ trên địa bàn cấp xã.
Tính đến tháng 6/2016 toàn tỉnh Bình Thuận đã có 126/127 Hội NCT xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 99,2% có đầy đủ các thủ tục củng cố kiện toàn Hội đồng quản lý Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT và nhiều xã, phường, thị trấn đã đi vào hoạt động ổn định, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố số Quỹ hiện có hơn 1 tỷ 500 triệu đồng, có phường, xã đã vận động được từ 130-150 triệu đồng. Tuy công tác củng cố, kiện toàn Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn phải thường xuyên củng cố để hoàn thiện hơn nữa; song, chúng tôi có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất: Để Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT hoạt động đúng thực chất cần chủ động vạch ra một số tiêu chí và tiến hành khảo sát, tổng kết đánh giá tình hình đề ra những giải pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn hoặc phải xây dựng, thành lập mới.
Thứ hai: Những giải pháp tiến hành củng cố Quỹ phải vận dụng vào tình hình thực tế của địa phương, khả năng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở, chủ động tổ chức các cuộc họp với các Sở, ngành chức năng để tạo ra sự đồng thuận cao trong tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và được cấp uỷ, chính quyền quan tâm trực tiếp chỉ đạo.
Thứ ba: Những giải pháp củng cố tổ chức Quỹ, các bước, thủ tục, trình tự tiến hành đề ra phải gọn, không rườm rà về thủ tục, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; phải chủ động phối hợp với các Sở, ngành xây dựng một bộ biểu mẫu ngắn gọn, dễ làm, phù hợp với trình độ của cán bộ Hội cơ sở.
Kết quả củng cố, kiện toàn và phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở tỉnh Bình Thuận cũng chỉ mới là bước đầu và cũng mới cơ bản hoàn thiện về những nội dung thủ tục, vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Trong thời gian tới, các cấp Hội tỉnh Bình Thuận chúng tôi cần phải quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa, phải tìm tòi, ra sức học hỏi cách làm hay, những bài học kinh nghiệm quý của các tỉnh Hội, thành phố bạn, để vận dụng và triển khai tốt hơn nữa ở địa phương mình./.