06/09/2018 08:48

Trung ương Hội NCT Việt Nam: Tập huấn về Bình đẳng giới và thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hoạt động CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại tỉnh Thanh Hóa

Để nâng cao nhận thức về quyền và bình đẳng giới cho phụ nữ cao tuổi nói riêng và NCT nói chung thông qua các hoạt động của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, trong khuôn khổ dự án“Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ cao tuổi tại tỉnh Thanh Hóa”, trong 2 ngày 29 - 30/8, Trung ương Hội NCT Việt Nam phối hợp với Hội NCT tỉnh Thanh Hóa tổ chức tập huấn: Bình đẳng giới và thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hoạt động CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại tỉnh Thanh Hóa. Tham dự lớp tập huấn có: Ông Lucas (Lu-Các), Phó Đại sứ Thường trực CH Séc tại Việt Nam; bà Lê Thị Hằng, cán bộ Đại sứ quán CH Séc, đại diện Ban Đối ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam, đại diện Hội Phụ nữ TP. Thanh Hóa, Ban Chủ nhiệm của 5 CLB tại Thanh Hóa.

Ông Lucas, Phó Đại sứ Thường trực CH Séc tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị


Trong thực tế, ở một số nước trong đó có Việt Nam việc bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới còn khá phổ biến khiến người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Tại lớp tập huấn lần này các đại biểu được tiếp thu những kiến thức về chủ đề bình đẳng giới như: Khái niệm cơ bản về Giới và Bình đẳng giới; một số luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình…

Các đại biểu tham dự tập huấn


Ông Đoàn Như Long (69 tuổi), Chủ tịch Hội NCT xã Quảng Phú, TP. Thanh Hóa, kiêm Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau V047 thôn 1 cho biết:  CLB thành lập năm 2015 gồm 56 thành viên, trong đó có 35 thành viên nữ (70 % thành viên nữ cao tuổi). Tôi thấy buổi tập huấn rất có ý nghĩa, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Thông qua hoạt động của CLB chúng tôi được tham gia tập huấn lần này và có cơ hội được giao lưu cũng như bổ sung thêm kiến thức về bình đẳng giới, từ đó có nền tảng để tuyên truyền cho các thành viên trong CLB của mình. Thời gian tới chúng tôi quyết tâm đổi mới các chương trình hành động trong đó có chủ đề về bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao vai trò của người phụ nữ giúp họ đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Bà Trịnh Thị Quý (70 tuổi), thành viên CLB 12 thôn Tào Mỹ, xã Hoằng Lý, TP. Thanh Hóa chia sẻ: Tôi là tình nguyện viên của CLB, một tuần tôi có 2 buổi chăm sóc, quét dọn, chuyện trò, xoa bóp, tư vấn sức khỏe, động viên cho thành viên bị ốm nặng có hoàn cảnh khó khăn. Trong gia đình tôi và những bà con địa phương nơi tôi sinh sống từ xưa cũng chưa có sự bình đẳng nam nữ. Thông qua lớp tập huấn này, tôi có thêm kiến thức trang bị cho bản thân mình cũng như về tuyên truyền cho các thành viên trong CLB, cho bà con lối xóm để mỗi người nắm chắc hơn về Luật Bình đẳng giới, biết được vai trò và quyền lợi của người phụ nữ, từ đó nâng cao đời sống cho người phụ nữ, nhất là người phụ nữ có tuổi đã cao.

Tại lớp tập huấn, ông Lucas, Phó Đại sứ Thường trực CH Séc tại Việt Nam chia sẻ: Tất cả các nước không chỉ riêng Việt  Nam thì người cao tuổi nhất là người phụ nữ cần phải biết mình có những quyền lợi gì từ đó đóng góp chung vào sự phát triển của xã hội. Tôi đánh giá cao buổi tập huấn, hi vọng sẽ cung cấp được nhiều thông tin cho quý vị và mong đây là thời gian vui vẻ cho tất cả mọi người. Từ đó có sự đóng góp tốt hơn cho gia đình và xã hội. Chúng tôi sẽ hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các hoạt động, dự án nhỏ nhằm thúc đẩy sự chuyển hóa đặc biệt về các chủ đề giới tính, bình đẳng giới; sự phát triển bền vững. Chúng tôi rất vui mừng Thanh Hóa là một trong 3 tỉnh thông qua Trung ương Hội NCT Việt Nam để triển khai thực hiện dự án này.

Bình đẳng giới không chỉ là để giải phóng phụ nữ, mà còn là giải phóng nam giới. Bởi khi quá đề cao nam giới và hạ thấp nữ giới thì không chỉ nữ giới bị ảnh hưởng mà nam giới cũng bị ảnh hưởng theo. Chẳng hạn: Quan niệm nam giới phải mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tự tử ở nam cao gấp 3 lần nữ giới, tuổi thọ cũng ngắn hơn. Rất nhiều nam giới bị rối loạn sinh lý nhưng không dám đi khám hay chữa hoặc tìm đến sự giúp đỡ vì họ sợ bị dị nghị là “yếu ớt” hay “thiếu nam tính”… Như vậy dự án này không chỉ vì phụ nữ mà vì toàn xã hội, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.