09/09/2020 09:16

Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025

Ở nước ta, NCT luôn được Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội giành sự quan tâm đặc biệt, là một trong rất ít quốc gia trên thế giới đưa vấn đề chăm sóc, phát huy vai trò của NCT thành luật hóa, tạo điều kiện cho NCT cũng như các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội ngày càng làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc NCT.

Thực tế hiện nay cho thấy, cơ cấu dân số nước ta già hóa nhanh hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, do tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết giảm, tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng cao. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, số NCT nước ta tăng nhanh từ 7,67 triệu năm 2009 lên 11,4 triệu năm 2019 (chiếm 11,86%). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ NCT nước ta sẽ chiếm 16,66% vào năm 2029 và 26,10% vào năm 2049 và dự báo đến năm 2030 cứ 6 người dân thì có hơn 1 NCT. Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ già hoá dân số của Việt Nam hiện nằm trong nhóm đang già hóa nhanh nhất thế giới.


Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền thăm và dự buổi sinh hoạt thường kì của CLBLTHTGN làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa ngày 27/2/2017 (Ảnh: Ngô Thị Mến)


Là tổ chức xã hội, từ khi thành lập (năm 1995) và đi vào hoạt động tới nay, Hội NCT Việt Nam đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát huy và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT trong cả nước. Một trong những chính sách góp phần quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là Đề án Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg, ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Qua thực tiễn triển khai thực hiện Đề án 1533, Trung ương Hội NCT Việt Nam là cơ quan thường trực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát thực hiện Đề án; báo cáo tổng kết thực hiện Đề án của 6 bộ, ngành và 58 địa phương, càng khẳng định Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là một chính sách đúng đắn, nhân văn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng và đặc biệt hàng trăm nghìn NCT có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cải thiện về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT tại cộng đồng. Đồng thời đã tạo điều kiện để NCT tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và sống vui, sống khỏe, sống có ích. Hiệu quả rất lớn của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là đã giúp cho rất nhiều NCT có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự giúp đỡ từ những người thuộc thế hệ trẻ, từ cộng đồng, giải quyết các nhu cầu an sinh xã hội tại cơ sở góp phần làm tốt công tác chăm sóc NCT.

 

Buổi sinh hoạt thường kỳ của CLBLTHTGN  thôn Quế Ô,

xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Lê Thành)

 

Tính đến hết tháng 7 năm 2020, đã có 58/63 tỉnh/thành phố triển khai Đề án và đã thành lập được gần 3000 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập.

Năm 2020 là năm kết thúc giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án 1533, Trung ương Hội NCT Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đánh giá cụ thể kết quả đạt được theo các tiêu chí, chỉ tiêu của Đề án triển khai trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời xây dựng Đề án Nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Mục tiêu và các chỉ tiêu cơ bản của Đề án Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, theo Quyết định số 1336 (gọi là Đề án 1336) bao gồm:

Phát huy hiệu quả mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, nhằm duy trì và tiếp tục nhân rộng câu lạc bộ, huy động sự tham gia của NCT, Hội NCT, các cấp, các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của NCT; chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi cho NCT.


Buổi sinh hoạt thường kỳ của CLBLTHTGN xã Mường So,

huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Lê Thành)

 

Góp phần thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số: 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam.

Đến năm 2025 có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố trong cả nước có Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3.000 câu lạc bộ mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 là NCT. Chú trọng việc nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;

Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã thành lập giai đoạn 2016-2020 và các câu lạc bộ mới được thành lập.

Các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau bảo đảm chất lượng về cơ cấu, thành phần (mỗi câu lạc bộ có từ 50-70  thành viên, trong đó 60%-70% là phụ nữ, 60% -70% là NCT, 30-40% là người trẻ tuổi; ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn.

Có ít nhất 70% Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện đủ các hoạt động và được quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên được vay vốn tăng thu nhập, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi.    


Hoạt động khám, chữa bệnh tại CLBLTHTGN xã Na Bo, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (Ảnh: Lê Đảng) 


 Tăng cường tuyên truyền Đề án, hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau góp phần nâng cao nhận thức các cấp chính quyền và cộng đồng về già hóa và ứng phó với già hóa dân số.

Từ những nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án 1336, hi vọng, thời gian tới Đề án 1336 sẽ được các địa phương triển khai, mang lại hiệu quả cao và lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống xã hội. Với mục tiêu tiếp tục duy trì các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập và hoạt động đúng hướng, tạo điều kiện gắn kết, củng cố mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình, cộng đồng. Để các thế hệ có cơ hội chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông, giúp đỡ, hỗ trợ nhau, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và thích ứng với già hóa dân số./.