Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Trưởng Ban Công tác NCT,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Chiều ngày 11/8, tại hội trường sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Hội nghị triển khai Quyết định 2384/QĐ-UBND ngày 05/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án Nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2017-2020. Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí Phạm Đăng Quyền, Trưởng Ban Công tác NCT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trịnh Ngọc Dũng, Phó ban Thường trực Ban Công tác NCT, Giám đốc Sở Lao động -Thương Binh và Xã hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng ban Ban Công tác NCT, Chủ tịch Hội NCT tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội NCT tỉnh, Ban Công tác NCT; Chủ tịch Hội NCT các huyện, thị, thành phố.
Thanh Hóa là tỉnh đông dân cư với dân số trên 3,7 triệu người gồm 7 dân tộc anh em chung sống; trong đó có trên 431,3 nghìn NCT chiếm 11 % dân số toàn tỉnh. Những năm gần đây công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của NCT được nâng lên. Trong đó có sự góp phần tích việc thành lập các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Tham gia CLB, các thành viên được tiếp cận với những chính sách của Đảng, Nhà nước tốt hơn, được nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe, biết mình được hưởng những quyền lợi gì. Việc CLB duy trì luyện tập TDTT, văn hóa văn nghệ, kiểm tra sức khỏe định kì, các thành viên khó khăn được vay vốn tăng thu nhập…đã góp phần lớn giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Những năm qua được hỗ trợ từ các dự án quốc tế, toàn tỉnh đã thành lập được 275 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Đặc biệt qua xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 200 theo Quyết định 2666/QĐ-UBND của UBND tỉnh, toàn tỉnh nhân rộng thêm 200 CLB, nâng tổng số lên 475 CLB với tổng số vốn hoạt động tăng thu nhập là trên 39,4 tỷ đồng, bình quân 83 triệu đồng/CLB với gần 9,8 nghìn đối tượng nghèo, cận nghèo khó khăn được vay vốn giúp trên 1,5 nghìn hộ đã thoát nghèo.
Quang cảnh Hội nghị
Thực tiễn đã khẳng định ý nghĩa kinh tế, xã hội, nhân văn sâu sắc của việc thành lập CLB và từ thành công đề án 200, trong khi ở Thanh Hóa mới chỉ có 4% số NCT được tham gia sinh hoạt CLB. Vì vậy, ngày 5/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2384/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Nhân rộng mô hình CLB LTHTGN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 – 2020, với mục tiêu thành lập mới 300 CLB, mỗi CLB có từ 50 – 70 người, trong đó 70% là NCT; đồng thời tiếp tục duy trì, quản lí, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của 475 CLB đã thành lập trước đó, phấn đấu trong năm 2017 sẽ phủ kín tới 27 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Đăng Quyền, Trưởng Ban Công tác NCT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã làm rất tốt việc xây dựng kế hoạch, thành lập và duy trì CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, hiện đã có 24 huyện, thị, thành phố thành lập được CLB. Còn 3 huyện chưa thành lập được là Mường Lát, Lang Chánh và Bỉm Sơn. Những địa phương khó khăn thì ta chia sẻ, động viên để cố gắng hơn nữa. Song như thị xã Bỉm Sơn là địa phương có điều kiện thuận lợi, nhất là về kinh tế tại sao chưa làm được. Phải chăng đây là do nhận thức, sự nhiệt tình hay sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tại địa phương?. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần tập hợp các ý kiến, nêu ra những thuận lợi khó khăn của mình thông qua Hội NCT tỉnh, Ban Công tác NCT, lãnh đạo tỉnh sẽ có hướng giải quyết và chỉ đạo kịp thời. Đồng chí khuyến khích những mô hình CLB nào làm tốt thì nên nêu ra tại các Hội nghị, hoặc tạo điều kiện cho các địa phương khác đến tham quan học tập; một phần khích lệ động viên các CLB tiếp tục phát huy, mặt khác để nhân rộng các mô hình hay. Đồng chí nhấn mạnh, Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 – 2020 là cơ sở pháp lí quan trọng, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, chính quyền đối với người thiệt thòi trong xã hội nhất là NCT. Khi thực hiện, chúng ta cần làm cho kĩ, cho tâm huyết để thực hiện có hiệu quả như đề án đã đề ra.