20/11/2017 08:13

Phát triển nhanh, vững chắc CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở cơ sở

                                                                                                                  TS Đàm Hữu Đắc

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam 

 

Sau 10 năm thực hiện mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) do tổ chức Quốc tế trợ giúp, đặc biệt những kết quả đạt được ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bến Tre, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Giang… Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam khẳng định, đây là loại hình CLB tốt nhất ở nước ta mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên, gia đình, cộng đồng và chia sẻ trách nhiệm xã hội với các ngành: Lao động – Thương binh và Xã hội; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương, cơ sở.

CLB LTHTGN có nhiều ưu thế, là tổ chức xã hội tự nguyện, tập hợp nhiều đối tượng, lứa tuổi, trong đó phần lớn là NCT, người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tạo cơ hội cho họ phát huy vai trò, tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Với tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, hoạt động của CLB tập trung giúp đỡ thành viên thông qua cách tiếp cận liên thế hệ và tự giúp nhau dựa vào cộng đồng. Mục tiêu chính của CLB là tạo cơ hội cho thành viên phát huy nội lực, chủ động giải quyết khó khăn, cải thiện cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng; cải thiện mối quan hệ giữa NCT với chính quyền, tổ chức đoàn thể và các nhà cung cấp dịch vụ, góp phần thực hiện tốt hơn quyền và lợi ích của NCT.

 

 

Buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau số 1,

xã Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

                         

Đặc điểm nổi bật của CLB là tự giúp nhau, hòa nhập, đa dạng hoạt động và phát triển bền vững. Phần lớn các vấn đề của cộng đồng đều có thể giải quyết hoặc cải thiện bởi chính các thành viên, nếu đoàn kết, quyết tâm, không trông chờ, ỷ lại. Trong CLB có cả người trẻ, người khá giả, nam giới sẵn sàng hỗ trợ những thành viên khó khăn, ốm đau bệnh tật. Với 8 hoạt động thiết thực, CLB đáp ứng nhu cầu vừa chăm sóc, vừa phát huy vai trò NCT, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của NCT, đây là những nhân tố bảo đảm CLB hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững.

Những CLB được đánh giá tốt đều triển khai đồng bộ cả 8 hoạt động, từng bước giải quyết nhu cầu bức thiết của các thành viên. Những thành viên nghèo, cận nghèo hoặc hoàn cảnh khó khăn được CLB giúp đỡ tận tình, trách nhiệm về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh để từng bước nâng cao thu nhập. Thực tế cho thấy chỉ sau 2, 3 năm, thành viên được vay vốn đã có thu nhập gấp rưỡi, gấp đôi; sau 3, 4 năm nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Điều này cho thấy NCT được vay vốn ưu đãi sẽ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống; đặc biệt NCT trả vốn, lãi đầy đủ, đúng hạn, Quỹ của CLB được bảo tồn và ngày càng gia tăng, tạo ra các cơ hội giúp nhau sản xuất, thành lập tổ nhóm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo mục tiêu chương trình khởi nghiệp quốc gia của Chính phủ.

 

Buổi sinh hoạt văn nghệ của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau

xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

 

Hăng hái tham gia các hoạt động thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí; truyền thông, tư vấn sức khỏe, sau một thời gian, sức khỏe các thành viên chuyển biến rõ nét; họ không chỉ tự chăm sóc sức khỏe mà còn hướng dẫn gia đình, cộng đồng dân cư. CLB duy trì tổ chức khám bệnh định kì năm 2 lần, giúp phát hiện bệnh tật để kịp thời chữa trị, phục hồi, kéo dài tuổi thọ.

Trước đây, nhiều thành viên tự ti do hoàn cảnh nghèo khó, không có cơ hội hoạt động cộng đồng. CLB thành lập đội văn nghệ, nghệ thuật, bóng chuyền hơi, có CLB còn tổ chức khiêu vũ, giúp họ hăng hái, tự tin tham gia giao lưu, biểu diễn, thi đấu với các đơn vị bạn; mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho NCT và cộng đồng dân cư, làm gương và khích lệ lớp trẻ.

Hoạt động của CLB LTHTGN gắn kết vai trò của CLB với cộng đồng dân cư và vai trò của cộng đồng trong các hoạt động của CLB. Từ đó, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện cưới xin, tang lễ văn minh, được xã hội đồng tình đón nhận, hưởng ứng.

Những CLB phát triển vững đều rất quan tâm nâng cao năng lực, kĩ năng công tác cho cán bộ, nhận thức cho các thành viên. Hội NCT cấp tỉnh, thành phố định kì tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt của CLB; cung cấp văn bản, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các CLB nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Tổ chức truyền thông, nói chuyện chuyên đề về già hóa dân số; chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, gia đình và tự chăm sóc; kinh nghiệm phát triển sản xuất tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT…

Thực tế cho thấy những CLB hoạt động tốt, có hiệu quả thiết thực là do: Trước hết, có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ, với vai trò là tham mưu của Hội NCT, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội với các ngành liên quan. Thứ hai, khắc phục khó khăn do nguồn vốn tài trợ giảm, nhiều CLB sáng tạo vận động, phát hành sổ tấm lòng vàng, bảng vàng vinh danh. Một số địa phương cho phép huy động từ quỹ cơ sở; nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân. Ưu tiên triển khai trước ở các tỉnh, thành phố bố trí nguồn vốn đối ứng của địa phương. Thứ ba, Ban chủ nhiệm phải là các thành viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, nhiệt huyết; được hỗ trợ tài liệu, kĩ thuật vận hành và tập huấn bài bản. Chủ nhiệm CLB cần có uy tín, trách nhiệm cao, quan hệ, phối hợp tốt với địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thứ tư, CLB cơ cấu 55 – 70 thành viên, chia thành 5 – 7 nhóm, có 70% là NCT, 60 – 70% là phụ nữ; 60 – 70% là người nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; 30% có điều kiện hơn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ. Thành lập các tổ tăng thu nhập, văn nghệ, thể thao, tình nguyện viên, vận động nguồn lực. Mỗi gia đình chỉ có 1 người tham gia để nhiều hộ được hưởng lợi. Thứ năm, mọi vấn đề của CLB phải bàn bạc dân chủ, quyết định theo đa số. Các hoạt động theo quy chế; công khai tài chính; chương trình, kế hoạch, báo cáo hằng tháng, được giám sát chặt chẽ.

Các CLB cần tổ chức nghiên cứu, học tập làm theo tài liệu hướng dẫn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Chỉ những CLB có đủ 8 hoạt động mới thừa nhận là CLB LTHTGN theo Quyết định 1533 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.