Năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN), nghiêm túc triển khai Quyết định 1533/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đưa ra chỉ tiêu đến 2020 có 45 CLB được thành lập; song đến nay, đã có 59 CLB với gần 3.400 thành viên.
Khiêu vũ thể thao do CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện
Ông Phạm Quang Sản, Phó Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh vui vẻ cho biết: Tiền quỹ trung bình của các CLB LTHTGN 82,5 triệu đồng. Mỗi CLB được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng; các CLB thành lập do Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ được trích 50 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo. Cùng với đó, Hội NCT tỉnh vận động xã hội hóa để tặng mỗi CLB một số trang thiết bị trị giá 5 triệu đồng. Riêng CLB Bệnh viện Phong được MTTQ, các cơ quan, tổ chức hỗ trợ 300 triệu đồng làm quỹ, mua trang thiết bị và tặng 1.000 con gà giống. Từ vốn quỹ tăng thu nhập, 3 năm qua đã có trên 900 thành viên được vay đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Để CLB hoạt động hiệu quả, Hội phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn phương pháp thành lập, kĩ năng quản lí, điều hành CLB cho hàng trăm cán bộ lao động - thương binh và xã hội, Hội NCT, Ban Chủ nhiệm.
Theo kinh nghiệm của Hội NCT tỉnh, việc xây dựng mô hình CLB đã được các cấp các ngành địa phương triển khai tích cực và hiệu quả. Cùng với việc thành lập CLB của Dự án VIE070, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực nhân rộng được 31 CLB. Khắc phục khó khăn về nguồn vốn tài trợ ban đầu, nhiều CLB sáng tạo vận động, phát hành sổ tấm lòng vàng, bảng vàng vinh danh nhằm thu hút sự ủng hộ của cả cộng đồng. Một số địa phương cho phép huy động các nguồn lực ở cơ sở; nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.
Ông Phạm Quang Sản, Phó Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Hải Dương
Các CLB đều được hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, tài liệu, sổ sách; tập huấn bổ sung và theo dõi, giám sát, hướng dẫn hoạt động. Duy trì tốt nội dung sinh hoạt; tổ chức giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm với các CLB bạn để nâng cao chất lượng cả nội dung và hình thức. Với cơ cấu 55 - 70 thành viên, có 70% là NCT, 60 - 70% là phụ nữ; 60 - 70% là người nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; 30% có điều kiện hơn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ; các tổ tăng thu nhập, văn nghệ thể thao, tình nguyện viên, vận động nguồn lực, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và duy trì hoạt động của CLB. Thành viên CLB được tham gia tất cả các hoạt động; mọi vấn đề của CLB được bàn bạc dân chủ, quyết định theo đa số; công khai tài chính; chương trình, kế hoạch, báo cáo hằng tháng, được giám sát chặt chẽ.
Ông Sản cũng cho biết: Đây là mô hình CLB thiết thực, hiệu quả, phù hợp với hoạt động của NCT; điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương và góp phần thích ứng với già hóa dân số. 8 mảng hoạt động thể hiện mô hình CLB chặt chẽ về tổ chức, phong phú về nội dung; là sân chơi bổ ích, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của NCT; góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội và gắn kết ở địa bàn dân cư. Tính bền vững là sự khác biệt lớn nhất là đặc trưng mà các loại hình CLB khác không có. Hoạt động của các CLB đã có tác động rất tốt, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Sở dĩ có những thành công đáng mừng sau 3 năm triển khai, là do Hải Dương được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp tạo điều kiện của MTTQ, các ban ngành, đoàn thể; sự vào cuộc hiệu quả và quyết tâm của Hội NCT, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và chung tay của toàn xã hội.