02/08/2019 13:53

Mô hình nhân văn, sân chơi bổ ích cho NCT, góp phần an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững

Thực hiện Quyết định số 1533 ngày 2/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLBLTHTGN) giai đoạn 2016- 2020, sau 3 năm triển khai thực hiện đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ, là mô hình giàu tính nhân văn, sân chơi bổ ích cho NCT, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững nhất hiện nay. Báo Người cao tuổi phỏng vấn ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam về vấn đề này...

PV: Thưa Phó Chủ tịch, được Chính phủ giao chủ trì triển khai Đề án nhân rộng mô hình CLBLTHTGN, Hội NCT Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể như thế nào để các bộ, ngành, địa phương liên quan cùng phối hợp thực hiện?

Phó Chủ tịch Ngô Trọng Vịnh: Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TW Hội đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án nhân rộng mô hình CLBLTHTGN giai đoạn 2016-2020; chủ trì xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định; thành lập Ban Điều hành Đề án gồm 9 thành viên do bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, Phó Chủ tịch UBQG về NCT Việt Nam làm Trưởng ban; các thành viên khác gồm đại diện lãnh đạo Hội NCT Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, UBQG về NCT Việt Nam.

Tổ chức họp báo công bố Quyết định 1533 và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án; mở chuyên mục "Hướng dẫn xây dựng Đề án nhân rộng mô hình CLBLTHTGN giai đoạn 2016-2020" trên Trang Thông tin Điện tử của Trung ương Hội; chỉ đạo Báo Người cao tuổi, Tạp chí NCT tăng cường lượng tin, bài phản ánh tình hình và kết quả triển khai Đề án tại các cấp Hội; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng kịch bản, quay tư liệu phóng sự về Đề án phát trên Đài Truyền hình Việt Nam; Biên soạn tài liệu; Tập huấn thành lập, vận hành và quản lí CLBLTHTGN cho 4 cụm thi đua và 20 tỉnh với 2.830 cán bộ Hội và các Ban Chủ nhiệm CLB của 37 tỉnh, thành phố.

Thường trực TW Hội tổ chức làm việc với Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI), Tổ chức Hỗ trợ NCT Mỹ, Đức, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức JICA (Nhật Bản)... để tuyên truyền, giới thiệu về mô hình CLBLTHTGN tại Việt Nam thông qua đó khai thác, vận động nguồn lực; tham gia cùng Tổ chức HAI xây dựng đề xuất dự án. Tháng 3/2018, được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ nguồn lực giúp 9 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng nhân rộng mô hình CLBLTHTGN giai đoạn 2018-2020. Đại sứ quán Cộng hòa Séc tài trợ thực hiện dự án “Tăng cường Bình đẳng giới cho phụ nữ cao tuổi trong các CLBLTHTGN tại Thanh Hóa. Năm 2019, được Quỹ thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (JIFF) thuộc Chương trình EU JULLE tài trợ Dự án “Bảo vệ Quyền của phụ nữ cao tuổi và cộng đồng thông qua hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong các CLBLTHTGN tại hai tỉnh Quảng Bình và Đồng Tháp”, thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng10/2020.

Phó Chủ tịch Ngô Trọng Vịnh


PV: Các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc hiệu quả ra sao, thưa ông?

Phó Chủ tịch Ngô Trọng Vịnh: Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn Ban Công tác NCT các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Đề án. Phối hợp với TW Hội tổ chức 6 Hội nghị tập huấn về công tác NCT và quán triệt, triển khai Đề án cho khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam; phối hợp tổ chức các Hội nghị quốc tế về vận động nguồn lực.

 

Buổi sinh hoạt đầy ắp tiếng cười. Ảnh Thanh Hà

 

Bộ LĐTB&XH ban hành Công văn hướng dẫn triển khai Đề án đến UBND các tỉnh, thành phố; phối hợp với TW Hội giới thiệu chuyên đề về quán triệt, triển khai Đề án tại các Hội nghị tập huấn "Nâng cao năng lực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội". Tổ chức Hội nghị vận động nguồn lực gồm đại diện của Tổ chức HAI, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), JICA, WB...

Bộ Y tế Ban hành Quyết định số 7681/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025, trong đó có nội dung lồng ghép hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT trong các CLBLTHTGN. Tổng cục Dân số KHHGĐ (Bộ Y tế) đã kí Kế hoạch phối hợp với TW Hội triển khai thực hiện Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2020 trong các CLBLTHTGN nhằm tạo điều kiện cho việc phổ biến kiến thức, khám sức khỏe cho NCT và hỗ trợ tình nguyện viên...

Hội NCT địa phương phối hợp với các sở, ngành tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng, phê duyệt Đề án hoặc Kế hoạch nhân rộng mô hình CLBLTHTGN; tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định 1533. Cụm thi đua số 1 gồm 6 tỉnh miền núi phía Bắc, cả 6/6 tỉnh có Đề án, Kế hoạch (đạt 100%).

PV: Thưa ông, khâu khó khăn nhất trong triển khai xây dựng CLBLTHTGN là kinh phí và cách thức tổ chức hoạt động, thế nhưng không ít tỉnh đã làm rất tốt như Thanh Hóa, Đà Nẵng, Lai Châu... kinh nghiệm được rút ra là gì?

Phó Chủ tịch Ngô Trọng Vịnh: Trong quá trình thực hiện Đề án, nhiều tỉnh chưa có kinh nghiệm và gặp khó khăn về kinh phí nhưng đã tích cực thực hiện Quyết định với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao.

Đối với địa phương khó khăn đã vận động chính quyền hỗ trợ, như Hà Giang, UBND tỉnh cấp kinh phí thành lập 30 CLB, mỗi CLB 55 triệu đồng (5 triệu mua sắm trang thiết bị, vật dụng; 50 triệu làm Quỹ Tăng thu nhập); UBND tỉnh Lai Châu cấp kinh phí xây dựng 25 CLB, mỗi CLB 25 triệu đồng. Tỉnh Bạc Liêu thành lập được 18 CLB, trong đó CLB có số vốn thấp nhất 50 triệu đồng, cao nhất 81 triệu đồng. Các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng... huy động từ Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT, Quỹ giảm nghèo, Quỹ An sinh xã hội, Quỹ Nông thôn mới. Tỉnh Kiên Giang vận dụng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các CLB và một số tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cho CLB vay vốn không lấy lãi. UBMTTQ tỉnh Hải Dương đã cấp 390 triệu đồng từ Quỹ vì người nghèo hỗ trợ xây dựng mới 6 CLB ngoài Đề án của UBND tỉnh, mỗi CLB 55 triệu đồng; hỗ trợ 12 CLB đã thành lập mỗi CLB 5 triệu mua trang thiết bị...

Đặc biệt, Hội NCT tỉnh Thanh Hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng tiếp 300 CLBLTHTGN bằng nguồn lực của tỉnh, trong đó Hội NCT các huyện Thiệu Hóa, Hà Trung, Cẩm Thủy, Như Thanh và TP Thanh Hóa đã phủ kín 100% số xã có CLBLTHTGN. Đến nay, Thanh Hóa đã xây dựng được 690 CLBLTHTGN, với 39.330 thành viên; tổng vốn tăng thu nhập tăng trưởng gần 58,28 tỉ đồng.

Huy động đóng góp của chính các thành viên và cộng đồng cũng là một nguồn không nhỏ, đồng thời còn tạo sự gắn kết của thành viên với CLB. Một số tỉnh đề nghị chính quyền vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp cho CLB

PV: Vì sao CLBLTHTGN được đánh giá là mô hình mang tính nhân văn nhất góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững?

Phó Chủ tịch Ngô Trọng Vịnh: Đến cuối quý I năm 2019, cả nước đã xây dựng được trên 1.700 CLBLTHTGN, đạt 85% so với chỉ tiêu. Đa số thành viên CLB tự đánh giá thu nhập của bản thân và gia đình được cải thiện do được vay vốn; được hướng dẫn kĩ thuật sản xuất, kinh doanh, giúp các thành viên làm ăn có hiệu quả, kinh tế gia đình phát triển vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Qua thực tế, CLBLTHTGN đã được chứng minh là mô hình CLB hiệu quả, thiết thực góp phần thích ứng với già hóa dân số, phù hợp với NCT và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Đây là mô hình đặc trưng mà các loại hình CLB khác không có được: Chặt chẽ về tổ chức, phong phú về nội dung, thiết thực, hiệu quả, là mô hình xóa đói, giảm nghèo và sân chơi bổ ích cho NCT, giúp NCT tăng thu nhập, cải thiện sức khỏe. Tại những địa bàn có CLB, thấy rõ sự thay đổi tích cực trong đời sống của NCT và cộng đồng; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thành viên CLB được hưởng lợi từ hoạt động chăm sóc sức khỏe, được hỗ trợ của tình nguyện viên; được tiếp cận thông tin, hỗ trợ pháp lí và đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí. Hỗ trợ cộng đồng tạo ra nét mới trong hoạt động, lôi cuốn NCT tham gia sinh hoạt Hội, nâng cao uy tín của tổ chức Hội trong đời sống xã hội.

PV: Qua 3 năm triển khai có thuận lợi, khó khăn gì và kế hoạch tiếp theo ra sao, thưa ông?

Phó Chủ tịch Ngô Trọng Vịnh: Nhìn chung, các cấp Hội NCT và các bộ, ngành, đơn vị, các địa phương tích cực, chủ động thực hiện Quyết định số 1533 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Trung ương Hội NCT Việt Nam là đơn vị chủ trì đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Một số địa phương đã có kinh nghiệm trong xây dựng CLBLTHTGN (Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Tre, Thái Nguyên, Hải Dương,...); có đội ngũ báo cáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ kĩ thuật cho địa phương để xây dựng mô hình. Được một số bộ, ngành quan tâm ủng hộ và phối hợp như Bộ LĐTB&XH, UBQG về NCT Việt Nam; Bộ Tài chính, Bộ Y tế...

Đề án được cấp ủy, chính quyền của nhiều địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Hầu hết Hội NCT, Ban Đại diện Hội NCT các tỉnh, thành phố đã tâm huyết vượt khó triển khai thực hiện. Được Tổ chức HAI tích cực tìm nguồn tài trợ (dự án); phổ biến kĩ thuật, kinh nghiệm; phối hợp tập huấn thành lập CLB. Mô hình được nhiều đoàn khách các nước trong khu vực và tổ chức quốc tế đến tham quan, học tập, đánh giá cao.

Tuy nhiên còn không ít khó khăn như: Một số bộ ngành chưa tích cực triển khai, chưa có biện pháp tháo gỡ khó khăn huy động nguồn vốn ban đầu cho CLB. Có cấp ủy, chính quyền chưa thấy hết ý nghĩa, tác động cũng như chưa thấy CLBLTHTGN chính là mô hình góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững tại cơ sở. Đặc thù của mô hình là có Quỹ Tăng thu nhập cho các thành viên vay nhưng nhiều địa phương chưa bố trí nguồn lực để thực hiện theo hướng dẫn của Đề án. Nhiều CLBLTHTGN chưa được tập huấn bài bản, không đúng theo tiêu chí hướng dẫn của Đề án...

Để phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu của Đề án, thời gian tới tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: Tiếp tục phổ biến tuyên truyền về mô hình CLBLTHTGN, tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án, các điển hình thành công và tác động tích cực của mô hình để nhân rộng. Hướng dẫn các địa phương đánh giá kết quả thực hiện Đề án; Trung ương Hội tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 1533. Phối hợp với Tổng cục Dân số KHHGĐ, Bộ Y tế triển khai kế hoạch hoạt động về Chăm sóc sức khỏe cho NCT trong các CLBLTHTGN năm 2019. Thực hiện các dự án quốc tế hỗ trợ một số tỉnh, thành phố. Đề xuất với lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí nhân rộng mô hình từ Quỹ “Vì người nghèo”. Các địa phương tiếp tục tổ chức tập huấn; huy động nguồn lực; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đã được UBND tỉnh phê duyệt.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!