Ngày 07/4, tại cơ quan Trung ương Hội NCT Việt Nam, Ban Điều hành Đề án Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 đã hội nghị buổi đầu tiên để thảo luận kế hoạch thực hiện hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Điều hành. Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT Việt Nam Ngô Trọng Vịnh, Trưởng Ban Điều hành chủ trì. Ban Điều hành Đề án gồm 8 thành viên là đại diện lãnh đạo: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ban Điều hành Đề án được thành lập theo Quyết định 1336/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có các nhiệm vụ chính là: Chỉ đạo triển khai Đề án Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương, cơ sở. Cụ thể là xây dựng các chương trình, kế hoạch, huy động nguồn lực từ các bộ, ngành, đoàn thể để góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án. Theo đó, các thành viên là đại diện các bộ, ngành, đoàn thể trung ương căn cứ nhiệm vụ được phân công trong Quyết định 1336/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị mình.
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT Việt Nam Ngô Trọng Vịnh,
Trưởng Ban Điều hành Đề án phát biểu tại Hội nghị
Theo chỉ tiêu Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, cả nước có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3.000 câu lạc bộ mới được xây dựng với khoảng 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 là NCT. Chú trọng việc nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã có ở giai đoạn 2016-2020 và các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau mới được xây dựng; các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phấn đấu đảm bảo chất lượng về cơ cấu, thành phần (mỗi câu lạc bộ có từ 50 – 70 thành viên, trong đó 60% - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là NCT, 30 – 40% là người trẻ tuổi, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn); có ít nhất 70% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện đủ các hoạt động và được quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên được vay vốn để sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi; 100% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có Quỹ để tăng thu nhập và Quỹ hoạt động do câu lạc bộ tự quản lý theo quy chế do câu lạc bộ ban hành.
Phát biểu tại Hội nghị, các thành viên Ban Điều hành phân tích, bổ sung kế hoạch thực hiện Đề án của Cơ quan thường trực. Một số thuận lợi, khó khăn trong qúa trình thực hiện Đề án …đã được các thành viên Ban Điều hành thảo luận, đề xuất. Đồng thời nêu lên sự cần thiết của việc xây dựng nguồn lực ban đầu cho các câu lạc bộ thông qua vận động nguồn lực từ các đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế; hoạt động phối hợp chặt chẽ với các thành viên liên quan...
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Điều hành Đề án – Phó Chủ tịch Thường trực Ngô Trọng Vịnh nhấn mạnh: Mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình giàu tính nhân văn và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, sân chơi bổ ích, phù hợp cho NCT; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời yêu cầu các thành viên Ban Điều hành nắm vững những nội dung của Đề án để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo ngành các nhiệm vụ phù hợp; tập trung hoàn thiện kế hoạch Đề án một cách cụ thể, chi tiết; tiếp tục hoàn thiện, ban hành rộng rãi các tài liệu hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tích cực vận động nguồn lực. Trưởng Ban Điều hành Đề án mong muốn thời gian tới các tổ chức quốc tế và đơn vị liên quan tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ tích cực, thiết thực, hiệu quả để triển khai các hoạt động cụ thể đảm bảo tiến độ Đề án.