Ngày 18/10, Ban Đại diện Hội NCT Bình Thuận phối hợp với Sở LĐ-TB&XH sơ kết 3 năm thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) giai đoạn 2016-2020…
Toàn cảnh hội nghị
Bắt đầu từ năm 2017, tỉnh Bình Thuận mới triển khai thực hiện Đề án, thực hiện chủ trương của Trung ương Hội NCT trong bối cảnh tỉnh chưa có kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng mô hình CLB LTHTGN; song với sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó, qua 3 năm triển khai thực hiện chủ trương xây dựng và nhân rộng mô hình CLB LTHTGN trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả rất thiết thực.
Theo báo cáo các huyện, thị xã, thành phố: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, La Gi, Phan Thiết, qua 3 năm (từ tháng 8/2017 - 8/2019) đã xây dựng và đi vào hoạt động 14 CLB LTHTGN (Kế hoạch số 842/KH-UBND ngày 10/3/2017 của UBND tỉnh đề ra thành lập 4 CLB), với 747 thành viên tham gia, trong đó có 692 NCT. Về chất lượng, chỉ tiêu theo quy định như 70% người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên), phụ nữ 421 người, chiếm tỷ lệ 56,4%/70% kế hoạch; có 70% là hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn, có 162 thành viên được vay vốn, chiếm tỷ lệ 21,7 %, tổng số tiền vay 470,6 triệu đồng, nguồn lực (vốn) ban đầu vận động được 520,8 triệu đồng, mỗi CLB có từ 8 triệu đến 164 triệu đồng, tổng số thành viên tham gia Ban chủ nhiệm có 44 người. Trong 14 CLB LTHTGN được xây dựng, có 11 CLB xây dựng địa bàn cấp xã để chỉ đạo, rút kinh nghiệm nhân rộng, có 3 CLB được xây dựng ở địa bàn Chi hội NCT (thôn, khu phố).
Các CLB LTHTGN ở các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam tổ chức từ 3 - 6 nhóm hoạt động gồm: Nhóm tuyên truyền vận động và giám sát; Nhóm y tế chăm sóc sức khoẻ; Nhóm văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao; Nhóm khoa học kỹ thuật, vật nuôi, cây trồng; Nhóm phát triển kinh tế, tăng thu nhập hoặc phụ trách về kinh tế (huy động vốn, cho vay, thu hồi vốn); Nhóm tự giúp nhau hỗ trợ cộng đồng; Nhóm bảo vệ quyền và lợi ích của thành viên; Nhóm truyền thông; CLB LTHTGN phường Phú Trinh (TP Phan Thiết) thành lập các tổ chăm sóc sức khoẻ, tổ thể dục dưỡng sinh, tổ văn nghệ… các thành viên tham gia ở các nhóm hoặc Tổ có từ 7 - 16 người. Các CLB đều có trang bị cân sức khoẻ, máy đo huyết áp…
Về nguồn lực vốn ban đầu các CLB LTHTGN hoàn toàn tự lực, vận dụng thực hiện nhiều cách như: Vận động các thành viên có điều kiện (trừ thành viên nghèo) đóng góp từ 500.000 – 1.500.000 đồng; vận động mượn tiền chân quỹ của Chi hội, có CLB vận động các doanh nghiệp cho mượn từ 3-5 triệu đồng sau 3 năm trả lại không tính lãi, có CLB góp vốn xoay vòng hàng tháng ưu tiên cho thành viên nghèo; khó khăn nhận trước. Đặc biệt ở huyện Tánh Linh lãnh đạo UBND huyện đã vận động giúp cho 2 CLB LTHTGN, mỗi CLB 10 triệu đồng. Lãi suất cho vay của các CLB từ 0,5 – 1%/tháng, thời hạn 6 tháng đến 1 năm. Các thành viên được vay đều sử dụng đúng mục đích dùng vào chăn nuôi, sản xuất, làm kinh tế gia đình bước đầu có hiệu quả.
Thời gian tới, Bình thuận tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động 14 CLB LTHTGN hiện có ở 7 huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, TP Phan Thiết, thị xã LaGi và Bắc Bình từng bước hoạt động theo chuẩn mô hình CLB LTHTGN và xây dựng nhân rộng từ 1-2 mô hình. Đối với các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và Phú Quý mỗi huyện xây dựng và nhân rộng từ 1-2 mô hình CLB LTHTGN.
Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng và nhân rộng 18 CLB LTHTGN, có 800 – 850 thành viên, trong đó có 750 NCT tham gia
Nguồn: Ngaymoionline.vn