31/03/2014 09:03

Xử lý nghiêm tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ

Nhằm đảm bảo sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng. Để có cái nhìn đa chiều về đội ngũ công chức, viên chức hiện nay cũng như những yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi nói trên:


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. 
Ảnh: Lê Anh Dũng/Vietnamnet.vn 

Phóng viên (PV): Chỉ thị về phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức vừa được Thủ tướng ký ban hành. Không có lửa ắt không có khói, phải chăng hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ, công chức đã đến mức cấp bách và đáng quan ngại, thưa Thứ trưởng? Là cơ quan được giao quản lý nhà nước về công chức, viên chức, Bộ Nội vụ có ý kiến gì?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Chúng ta đều biết, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Chính phủ và các cơ quan ban hành tương đối đầy đủ. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, việc triển khai và thực hiện hai Luật trên ở các bộ, ngành, địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc triển khai xác định vị trí việc làm đã được tiến hành đồng thời ở tất cả các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã được xây dựng và ban hành. Công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ của cán bộ, công chức được tăng cường. Việc thi tuyển công chức đã từng bước được triển khai thí điểm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, bảo đảm tối đa nguyên tắc khách quan, công bằng, minh bạch và chất lượng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn có hạn chế, bất cập. Đó là tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn còn có nơi, có lúc chưa cao; thái độ, tác phong, ứng xử, giao tiếp khi giải quyết công việc của người dân vẫn còn có các biểu hiện chưa đúng; năng lực làm việc còn hạn chế…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc phòng, chống tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ cũng như công tác thi đua khen thưởng. Điều đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; xây dựng một nền công vụ phục vụ và đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

PV: Chỉ thị có đề cập đến việc một số công chức, viên chức còn có thái độ cửa quyền, gây sách nhiễu trong công việc; việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ chưa thật khách quan, không kiên quyết thay thế người vi phạm, năng lực yếu kém. Trong khi lâu nay dư luận vẫn ì xèo về chuyện 30% công chức không làm được việc, vậy nó có liên quan gì đến chuyện tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc phân loại, đánh giá công chức theo các mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ, thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thuộc các Bộ, ngành và địa phương. Thẩm quyền này đã được quy định tại Luật Cán bộ công chức cũng như là Luật Viên chức.

Muốn xác định cụ thể và chính xác người làm tốt với người làm chưa tốt trong từng cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu khi thực hiện việc đánh giá phải đề cao tinh thần trách nhiệm và có bản lĩnh, không câu nệ, không nể nang, trù úm. Bởi lẽ, chỉ người đứng đầu (cấp trưởng) là người giao việc, phân công nhiệm vụ và kiểm tra, đánh giá được tiến độ, chất lượng, tinh thần, thái độ phục vụ của từng người thuộc thẩm quyền sử dụng. Các đồng nghiệp cùng cơ quan sẽ tham gia đóng góp về tinh thần trách nhiệm, thái độ, sự hợp tác trong thực hiện nhiệm vụ, tinh thần xây dựng đơn vị để người đứng đầu tham khảo trong quá trình đánh giá, phân loại và bản thân người được đóng góp tiếp thu, điều chỉnh.

Trường hợp việc đánh giá, phân loại không đúng với mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực tế của từng người sẽ không thể động viên khuyến khích được những người làm việc tốt và không thể đưa ra khỏi công vụ những người không hoàn thành nhiệm vụ. Sắp tới, thực hiện tinh giản biên chế, nếu như không làm tốt vấn đề phân loại, đánh giá, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu tinh giản biên chế theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chúng tôi tôn trọng các số liệu đánh giá của các Bộ, ngành, địa phương gửi về báo cáo và cũng rất quan tâm đến ý kiến dư luận nêu về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức không làm được việc. Qua các số liệu này, hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu và xây dựng văn bản quy định về chế độ đánh giá để bảo đảm phân biệt được người làm việc tốt với người làm việc chưa tốt.

Theo đó, việc đánh giá công chức phải dựa trên nguyên tắc: cấp trên đánh giá cấp dưới; người giao việc đánh giá người thực hiện và có tham khảo đến ý kiến đóng góp, nhận xét của đồng nghiệp và nhân dân. Việc đánh giá, phân loại phải gắn với kết quả, hiệu quả, tiến độ, chất lượng công việc .

PV: Về lý thuyết, ai cũng biết, không làm được việc, năng lực yếu phải tinh giản biên chế nhưng thực tế không phải là vậy, nó liên quan đến nhiều vấn đề, vậy làm sao chúng ta có thể tinh giản được, thưa Thứ trưởng ?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng, để tinh giản biên chế được đòi hỏi chúng ta phải xác định rõ mục tiêu, quan điểm tinh giản biên chế, trong đó cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức. Những người thiếu tinh thần trách nhiệm, những người không hoàn thành nhiệm vụ được giao, những người không chịu làm việc dứt khoát phải đưa vào diện thực hiện chính sách tinh giản biên chế để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

PV: Thưa Thứ trưởng, được biết ở một Viện nọ, người đứng đầu bị tố cáo đến cơ quan báo chí về những sai phạm trong công tác quản lý viên chức (sau nhiều lần kiến nghị xử lý trong nội bộ nhưng chưa thỏa đáng). Ngay lập tức, Viện trưởng đã truy người tố cáo để xử lý vi phạm về những điều đảng viên không được làm, vậy có phải có sự “tréo ngoe” ở đây và việc bảo vệ, khen thưởng đối với người phát hiện, tố cáo tiêu cực phải được đặt ra như thế nào?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng việc tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực hiện theo các quy định của pháp luật. Đối với những người là đảng viên, việc tố cáo cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, đặc biệt tuân thủ Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, người tố cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo của mình. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ là các cơ quan có thẩm quyền đều phải có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo về những tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ.

PV: Trong thực tế, ở một số nơi, cục bộ, cửa quyền xảy ra ngay từ người đứng đầu, vậy chống tiêu cực thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng chúng ta phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của nhân dân. Các yêu cầu và giải pháp trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất đầy đủ. Đặc biệt, Chỉ thị không chỉ yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu, mà việc phòng, chống tiêu cực còn là trách nhiệm của từng công chức, viên chức. Bên cạnh đó là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức. Việc gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong điều hành, giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và thực hiện nguyên tắc dân chủ, công bằng, khách quan và minh bạch.

Hành động gương mẫu, nêu gương là rất quan trọng. Chúng ta thường nói: Cán bộ nào, phong trào đó. Khi phát hiện công chức, viên chức có những biểu hiện và hành vi tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ và công tác thi đua khen thưởng phải kiên quyết xử lý nghiêm minh để làm gương và răn đe. Về việc này, Bộ Nội vụ mong muốn có cả sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí thông qua việc nêu các gương người tốt, việc tốt cũng như kịp thời phản ánh những biểu hiện tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ và thi đua khen thưởng, Như thế sẽ động viên, khuyến khích các cơ quan, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đi đầu, tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Lâu nay dư luận vẫn cho rằng việc tuyển dụng bổ nhiệm cán bộ vẫn theo các thứ tự ưu tiên, đầu tiên là mối quan hệ, sau đến tiền bạc và cuối cùng mới đến người tài và Chỉ thị cũng đã đề cập đến việc chúng ta chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài. Vậy, để có một nền hành chính trong sạch, một nền công vụ năng động, minh bạch, hiệu quả, cần phải làm gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Để đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai rất nhiều công việc. Ví dụ như xác định vị trí việc làm, xây dựng tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức và các chức danh lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương… nhằm phục vụ tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm... Đặc biệt là trong tuyển dụng, việc ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển công chức chính là những giải pháp để nâng cao chất lượng tuyển dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan.

Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng đề án trình các cấp có thẩm quyền xem xét cho thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng... Với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đó, tôi nghĩ rằng sẽ đảm bảo xây dựng được một nền công vụ trong sạch, một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Chu Thanh Vân/TTXVN / ĐCSVN, 30/3/2014.