Trong khi các địa phương trong cả nước ra sức thi đua thực hiện công cuộc xoá đói, giảm nghèo bền vững, thì cá biệt có những cá nhân, những địa phương xuất hiện tư tưởng "giữ nghèo bền vững, để còn được hưởng chế độ, chính sách". Đây là những suy nghĩ rất đáng lo ngại.
Đúng là phải có giải pháp để thoát nghèo. Và thực tế, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu là các chương trình: 327, 661, 120, 134, 135, 30a…, đó là còn chưa kể đến các chương trình hỗ trợ, viện trợ và phối hợp của các tổ chức quốc tế dành cho công tác này, nên đã thực sự mang lại hiệu quả to lớn đến công tác xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương. Chả thế mà Việt Nam đã được thế giới đánh giá là quốc gia đi tiên phong thực hiện rất có hiệu quả Chương trình mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
|
Mô hình chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu, Sơn La góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Thước đo để đánh giá thực trạng đói nghèo chính là những tiêu chí của Chương trình 135, Chương trình 30a và Bộ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Nhờ có các công cụ đo hữu hiệu này mà nhiều địa phương vui mừng khi được ra khỏi danh sách Chương trình 135, bởi đó là chỉ dấu cho thấy địa phương đó đã thoát khỏi đói nghèo, mở ra một trang mới cho sự phát triển. Nhưng đáng buồn thay, đó cũng sẽ là chỉ dấu mang lại nỗi lo lắng cho nhiều địa phương vì từ nay sẽ không còn được trông chờ, ỉ lại vào "bầu sữa mẹ" của Nhà nước, bởi lẽ ra khỏi danh sách Chương trình 135 có nghĩa là sẽ không còn được hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Căn nguyên của suy nghĩ này có lẽ xuất phát từ bệnh "lười"!
Một thực tế đáng buồn, trong lúc toàn xã hội đang tìm mọi cách để xóa đói giảm nghèo, thì vẫn còn một bộ phận người lao động cứ ngồi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, khi họ có thể tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Còn đáng buồn hơn khi chính một bộ phận không nhỏ cán bộ địa phương cũng lười, ngại xuống cơ sở tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Và không ít trường hợp đối tượng hộ nghèo lại rơi nhiều vào các gia đình, dòng họ của cán bộ địa phương để dễ bề hưởng lợi chính sách.
Đã có rất nhiều tấm gương cá nhân và tập thể điển hình về xoá đói giảm nghèo bền vững. Đã có nhiều địa phương vui mừng được ra khỏi danh sách Chương trình 135, hoặc có địa phương quyết tâm xin ra khỏi danh sách Chương trình 135 để phát huy nội lực, tự mình vươn lên xoá đói giảm nghèo…
Nhưng từ hiện tượng cá biệt có những địa phương hay cá nhân chỉ thích ôm cái tư tưởng "giữ nghèo bền vững", thì thiết nghĩ đã đến lúc phải đấu tranh mạnh mẽ đối với tư tưởng hữu khuynh này, vì nếu không sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc "xoá đói giảm nghèo" mà toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện.
Muốn xoá nghèo trước hết phải xoá lười!
Nguồn: ĐCSVN, 25/4/2014, Trần Quỳnh