21/03/2014 22:30

Từ Đông Dương thuộc địa đến Việt Nam ngày nay

Các học giả đến từ nhiều viện nghiên cứu và trường đại học có tiếng ở Việt Nam, Pháp và các nước đang có mặt tại Pháp để tham gia hội thảo "Từ Đông Dương thuộc địa đến Việt Nam ngày nay”.

Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu tại hội thảo.

Trong ba ngày từ 20 đến 22/3/2014, các đại biểu đến từ Đại học Paris-Sorbonne, Paris V-Descartes, Paris-Diderot, Học viện Quốc phòng (Pháp) Washington-Seattle, Columbia, Sacramento (Mỹ), Ottawa, Toronto (Canada), Đại học quốc gia Singapore, Đại học Keio (Nhật Bản), Đại học quốc gia Việt Nam, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, giới thiệu những nghiên cứu với cách tiếp cận hiện đại để tạo cái nhìn mới và chân thực về lịch sử.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo, coi đây là dịp để các học giả chia sẻ những nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Pháp và đặc biệt là ý chí giành độc lập cũng như sự năng động của dân tộc Việt Nam trong quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế.

"Hội thảo giúp chúng ta điểm lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Giai đoạn lịch sử đó có những thời khắc đau đớn và khó khăn, có sự tương tác phức tạp trong và ngoài, nhưng trên tất cả là dấu ấn về một đất nước Việt Nam đầy quyết tâm giành lại độc lập, năng động để phát triển và hội nhập với thế giới", Đại sứ Dương Chí Dũng nói.

Đại sứ Dương Chí Dũng mong rằng các đại biểu sẽ đưa ra các đề xuất và ý tưởng để giúp cho quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, vốn phát triển rất tốt đẹp thời gian qua, tiếp tục phát triển trong thời gian tới để tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước ký kết tháng 9-2013.

Ông François Weil, Giám đốc Viện Hàn lâm Paris, cho rằng, hội thảo là một trong những sự kiện quan trọng của Năm Việt Nam tại Pháp 2014 và là dịp để các học giả giới thiệu những phân tích về quan hệ nhiều mặt giữa hai nước. "Mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp rất sống động, là di sản và nền tảng để hai nước thúc đẩy quan hệ. Dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, hai nước đã chia sẻ và không ngừng tăng cường hợp tác vì lợi ích chung", ông François Weil khẳng định.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều học giả uy tín đến từ các nước.

Trong tám phiên thảo luận, các đại biểu sẽ thảo luận về từng giai đoạn, từ sự có mặt đầu tiên của người Pháp ở Đông Dương, sự hình thành của chính quyền thuộc địa, chiến tranh ở Đông Dương, cuộc đấu tranh chống thực dân, Việt Nam sau chiến tranh. Điểm nhấn là thảo luận bàn tròn "Từ Việt Nam hôm qua đến ngày hôm nay" đề cập đến sự phát triển liên tục và vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử, cũng như những triển vọng về sự phát triển bền vững nhờ chính sách mở cửa và hội nhập.

Tham dự hội thảo, Hoàng thân Đan Mạch Henrik, người từng sống tại Việt Nam trong tám năm, đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động này vì là dịp để làm nổi bật giai đoạn lịch chung của Việt Nam và Pháp. Ông cho rằng, con người và văn hóa Việt Nam thật sâu sắc, thân thiện và đó là lý do để ông vẫn luôn yêu mến đất nước này. Ông tin tưởng rằng, với chính sách đổi mới toàn diện, sự phát triển và hội nhập năng động, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến xa trong thời gian tới.

Các bài tham luận được các đại biểu quan tâm như "Long trời lở đất" của ông Olivier Tessier đến từ Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, nghiên cứu của Amandine Dabat (cháu gái năm đời của vua Hàm Nghi) về vua Hàm Nghi thông qua những tác phẩm nghệ thuật của ông và "Chôn sâu chiến tranh Đông Dương: Thí dụ từ Ủy ban điều tra về Điện Biên Phủ" của tướng Ivan Cadeau thuộc bộ phận lịch sử Bộ Quốc phòng Pháp.

Về phía Việt Nam, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hoa Sen Bùi Trân Phượng trình bày về chủ đề "Phụ nữ trong chiến tranh", trong khi đó TS Nguyễn Thụy Phong (ĐH Paris V Descartes) có bài phân tích "Trường học Pháp tại Việt Nam từ 1945-1975. Từ sứ mệnh khai phá văn minh đến ngoại giao văn hóa".

Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp và hưởng ứng Năm Việt Nam tại Pháp 2014 do Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp phối hợp với các trường Đại học Paris-Sorbonne, Nantes, Jean-Moulin Lyon III tổ chức.

Nguồn: NDĐT/ KHẢI HOÀN và ĐÌNH TUẤN

(Theo Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)