| Thời gian qua, lao động nông thôn nghèo tỉnh Vĩnh Long được hỗ trợ học nghề miễn phí, được giới thiệu việc làm. Ảnh: báo Vĩnh Long |
Năm 2013, tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn hơn 647 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án cho công tác xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, tỉnh đã giảm được 6.485 hộ nghèo, trong đó có 2.812 hộ đồng bào Khmer.
* Xác định việc xây dựng, thực hiện các chính sách giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2014 và những năm tiếp theo Vĩnh Long nỗ lực nâng cao hiệu quả chương trình giảm nghèo, phấn đấu kéo giảm từ 1% đến 2% số hộ nghèo mỗi năm.
Trước mắt, năm 2014 Vĩnh Long tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể các cấp trong việc thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững. Trong đó, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, đặc biệt là các chính sách đối với người có công, trợ cấp xã hội thường xuyên, đột xuất; chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo về nhà ở, ưu tiên cho 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Các công trình an sinh xã hội phục vụ cộng đồng cho vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, xã đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo trên địa bàn và khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Đồng thời, tỉnh quan tâm tạo điều kiện cho hơn 13.500 hộ cận nghèo kéo dài thời gian thụ hưởng các chính sách khám chữa bệnh, miễn giảm học phí, cho vay vốn giải quyết việc làm... đối với những hộ mới thoát nghèo, giúp hộ cận nghèo vươn lên khá, hộ mới thoát nghèo không tái nghèo. Hiện nay, ở một số xã có đông đồng bào dân tộc trong tỉnh như Tân Mỹ (huyện Trà Ôn), Loan Mỹ (huyện Tam Bình) tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn cao. Trong giai đoạn từ 2005 đến 2013, trung bình mỗi năm Vĩnh Long kéo giảm được từ 1,8% đến 2% số hộ nghèo, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra của chương trình giảm nghèo bền vững. Toàn tỉnh hiện còn 4,57% (theo chuẩn hộ nghèo mới), giảm 1,32% so với cuối năm 2012.
Để có kết quả này, các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh đã phối hợp chặt với các địa phương, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch giảm nghèo phù hợp, gắn với đầu tư hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng nhu cầu thực tế của hộ nghèo (vốn, lao động, kỹ thuật khuyến công khuyến ngư, bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, miễn giảm học phí, phương cách làm ăn, trợ giúp pháp lý…). Tỉnh huy động các nguồn lực từ các chương trình lồng ghép, các dự án đầu tư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, ấp nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Từ năm 2011 đến năm 2013, Vĩnh Long đã huy động mọi nguồn lực được trên 620 tỷ đồng, trong đó gần 70 tỷ đồng của quỹ vì người nghèo, trên 550 tỷ đồng quỹ an sinh xã hội dành cho người nghèo. Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh về cách thức làm ăn đã được thay đổi, có ý thức tự lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, không thụ động trông chờ, ỷ lại vào chính quyền, vào Nhà nước. Từ năm 2005 đến cuối năm 2013, Chương trình giảm nghèo của Vĩnh Long đã giúp trên 55.000 hộ thoát nghèo; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh; góp phần ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững./. (Theo TTXVN/ ĐCSVN, 24/2/2014). |