Sáng 21/3/2014, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 3 (2009-2015) trước thời hạn và triển khai chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014-2015. Đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả
Từ năm 2009 tới năm 2013, Thành ủy và UBND Thành phố đã vận dụng các chủ trương, chính sách giảm nghèo quốc gia của Trung ương và căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố để ban hành các quyết định về phê duyệt chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá Thành phố giai đoạn 2009-2015, về chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2009-2015.
|
Đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: VL) |
Qua 5 năm triển khai giai đoạn 3 (2009-2013), tổng số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 12 triệu đồng/người/năm giảm từ 152.328 hộ vào đầu năm 2009 xuống còn 14.000 hộ vào cuối năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,4% xuống còn 0,71% trên tổng số hộ dân Thành phố. Thành phố hiện không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 3 trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần IX đã đề ra.
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xã hội, Thành phố luôn quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chương trình giảm nghèo, quyết tâm nâng thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân, nhất là người nghèo, hộ nghèo và không để tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.
Theo báo cáo của UBND Thành phố, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá Thành phố trong giai đoạn 3 là 3.649,67 tỷ đồng. Số tiền này đã được sử dụng chi hỗ trợ không hoàn lại cho hộ nghèo và hoạt động nâng cao năng lực chương trình giảm nghèo, bổ sung nguồn vốn tín dụng. Có thể nói, trong các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2009-2013 của Thành phố, chính sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi và các nguồn tín dụng nhỏ giữ vai trò quan trọng nhất, giúp các hộ trong diện có điều kiện tiếp tục tổ chức sản xuất, làm ăn, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát được chuẩn nghèo của Thành phố.
Bên cạnh đó, Thành phố còn có các chính sách hỗ trợ về học nghề và giải quyết việc làm cho người trong diện nghèo và cận nghèo. Tại các quận, huyện đã triển khai nhiều cách làm linh hoạt. Tính chung từ năm 2009 đến tháng 9/2013, đã giới thiệu việc làm trong nước cho 44.070 lượt lao động nghèo và 322 lao động nghèo xuất khẩu lao động.
Không chỉ quan tâm đến hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho bà con, Thành phố còn có các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục, trợ giúp về pháp lý, chính sách hỗ trợ về nhà ở cũng như một số chính sách an sinh xã hội khác.
Chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế và chi trả chi phí chữa bệnh cho hộ nghèo đã có mức độ bao phủ và tiếp cận đối tượng hưởng lợi tốt. Hàng năm, có khoảng 40.000 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; 50.000 học sinh, sinh viên được vay vốn để hỗ trợ việc học hành, với mức vay bình quân là 14 triệu đồng/người/năm.
Tăng mức chuẩn nghèo cho phù hợp với điều kiện thực tế
Hiện nay, mặc dù hộ nghèo của Thành phố đã vượt qua mức chuẩn thu nhập 12 triệu/người/năm, nhưng thực tế cuộc sống vẫn còn khó khăn và dễ tái nghèo, do mức thu nhập thực tế của mức chuẩn nghèo 12 triệu/người/năm của năm 2013 chỉ tương đương 7,2 triệu đồng/người/năm so với thời điểm 2009, nên đòi hỏi phải điều chỉnh chuẩn hộ nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, giá cả sinh hoạt và điều kiện của người dân Thành phố.
Trước thực tế trên, phát huy kết quả và kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá Thành phố giai đoạn 2009-2013, UBND Thành phố đã xây dựng chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của Thành phố giai đoạn 2014-2015. Mục tiêu tổng quát là tập trung cải thiện và từng bước nâng cao về mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố; ưu tiên người nghèo là gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, không để tái nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp và các nhóm dân cư trong xã hội, giữa nội thành và ngoại thành.
Về mức chuẩn hộ nghèo Thành phố giai đoạn 2014-2015 đã được điều chỉnh nâng lên là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, không phân biệt nội thành và ngoại thành. Với mức chuẩn hộ nghèo này, tổng số hộ nghèo Thành phố vào đầu năm 2014 là khoảng 130.000 hộ, chiếm 7,12% tổng số hộ dân Thành phố.
|
Nhiều tập thể và cá nhân được Thành phố khen thưởng vì đã có nhiều thành tích trong công tác giảm nghèo (Ảnh: VL) |
Đối với hộ cận nghèo, điều chỉnh theo tiêu chí thu nhập bình quân từ 16 triệu đến 21 triệu đồng/người/năm, không phân biệt nội thành, ngọai thành. Với mức chuẩn hộ cận nghèo này, tổng số hộ cận nghèo Thành phố vào đầu năm 2014 khoảng 50.000 hộ, chiếm 2,73 tổng số hộ dân Thành phố.
Thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2-2,5% (riêng các xã xây dựng nông thôn mới giảm từ 4-5%) và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân mỗi năm 1,5% (riêng các xã xây dựng nông thôn mới giảm 4%/năm). Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% tổng số hộ dân Thành phố và tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 3% tổng số dân Thành phố.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Giảm nghèo bền vững là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của Thành phố, nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn dân. Trong thời gian qua, Thành phố đã có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, giúp bà con ổn định cuộc sống, có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Với việc điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo và cận nghèo trong giai đoạn 2014-2015 của Thành phố, mức này cao hơn 2 lần so với mức chuẩn nghèo quốc gia. Trong hòan cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đây sẽ là thách thức lớn đối với Thành phố, song cũng là trách nhiệm mà Thành phố phải hoàn thành - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Để giai đoạn 2014-2015 hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra, đồng chí Lê Thanh Hải chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã phải xây dựng mô hình hiệu quả, phát huy các nhân tố điển hình, tuyên truyền nhân rộng các gương vượt nghèo tiêu biểu. Cùng với việc chú trọng đến phát triển kinh tế, các địa phương cần gắn với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, chú trọng tới đào tạo nghề cho người lao động, nâng cao mặt bằng dân trí… trên địa bàn. Đặc biệt, phải gắn chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, để thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn...
Tại Hội nghị, nhiều tập thể và cá nhân đã vinh dự được nhận Bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh vì đã có nhiều thành tích trong công tác giảm nghèo./.
Nguồn: ĐCSVN, 21/3/2014, VL