Trao đổi với phóng viên, ông Dương Minh Đỗ, Phó cục trưởng Cục Người có công, cho biết đợt rà soát này tập trung vào 7 đối tượng là: liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong. Ước tính có khoảng hơn 3 triệu người thuộc diện rà soát.
|
Ông Dương Minh Đỗ, Phó cục trưởng Cục Người có công (Ảnh: KT) |
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết về mục tiêu của việc lần đầu tiên sau chiến tranh chúng ta thực hiện cuộc tổng rà soát chính sách cho người có công trong cả nước? Ước tính có khoảng bao nhiêu người nằm trong diện rà soát?
Ông Dương Minh Đỗ: Mục tiêu của việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và nhà nước đối với người có công, đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội. Trên cơ sở đó kiến nghị kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các chính sách để giải quyết khó khăn của một bộ phận gia đình người có công, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng,… và kiên quyết khắc phục những thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách cho người có công và tiếp tục hoàn thiện chính sách.
Đợt rà soát này tập trung vào 7 đối tượng là: liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong. Ước tính có khoảng hơn 3 triệu người thuộc diện rà soát.
PV: Theo kế hoạch, chúng ta đã bắt đầu thực hiện đợt tổng rà soát. Vậy xin ông cho biết, việc thực hiện đã được triển khai đến đâu? Khi tiến hành tổng rà soát ở các địa phương, có gặp phải vướng mắc nào không?
Ông Dương Minh Đỗ: Để triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Chương trình số 4836/CTr-BLĐTBXH-MTTW ngày 05/12/2013 về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014 - 2015).
Bộ LĐ-TB&XH và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chọn một xã tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) làm thí điểm rà soát, trên cơ sở đó có công văn hướng dẫn số 684/HD-BLĐTBXH-MTTQ ngày 12/3/2014 và tài liệu gửi đến các địa phương; đồng thời tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn việc rà soát trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo kế hoạch bắt đầu từ tháng 4/2014 sẽ triển khai chọn mỗi quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh để chọn một xã, phường, thị trấn để thực hiện rà soát thí điểm, rút kinh nghiệm để tổ chức tổng rà soát. Hiện nay, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập các Ban chỉ đạo rà soát tại địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trên địa bàn.
Vì hiện nay các địa phương mới bắt đầu tiến hành chọn mỗi quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh để chọn một xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát thí điểm nên chúng tôi chưa thấy có ý kiến phản hồi về vướng mắc trong việc rà soát.
|
Từ tháng 4/2014, tiến hành rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên toàn quốc. |
PV: Thời gian qua, đã có những chuyện nhập nhèm trong công tác rà soát chính sách cho người có công, khiến người dân băn khoăn, bức xúc. Ông có e ngại đợt tổng rà soát nếu làm không chặt chẽ, sẽ là cơ hội cho các đối tượng trục lợi?
Ông Dương Minh Đỗ: Bắt đầu từ tháng 4/2014, chúng ta tiến hành rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên toàn quốc. Đây là đợt tổng rà soát đầu tiên kể từ khi có chính sách ưu đãi đối với người có công bởi trước đây chỉ thanh tra, kiểm tra đối với một nhóm đối tượng với phạm vi hẹp thuộc cấp huyện hoặc cấp tỉnh. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện và xử lý kịp thời một số trường hợp khai man hồ sơ hoặc hưởng sai chế độ ưu đãi.
Qua đợt tổng rà soát này, hy vọng sẽ mang đến một kết quả chính xác, khách quan bởi cán bộ tham gia rà soát là người của các đoàn thể chính trị - xã hội. Từ kết quả rà soát này sẽ kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót và kiên quyết xử lý theo pháp luật những trường hợp vi phạm nên khó có cơ hội cho các đối tượng trục lợi.
PV: Thưa ông, để việc rà soát được hiệu quả, minh bạch thì lực lượng tham gia là rất quan trọng. Chúng ta đã huy động những lực lượng nào tham gia và tập huấn cho họ như thế nào?
Ông Dương Minh Đỗ: Để kết quả rà soát được hiệu quả, minh bạch thì chúng ta đã huy động các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội có liên quan tham gia trực tiếp việc rà soát. Cụ thể, Hội Phụ nữ và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ sẽ rà soát đối tượng liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Hội Phụ nữ sẽ rà soát đối tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng; Hội Cựu chiến binh sẽ rà soát đối tượng thương binh, bệnh binh; Hội Cựu chiến binh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin sẽ rà soát đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ rà soát đối tượng người có công giúp đỡ cách mạng. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu thanh niên xung phong cũng rà soát đối tượng Cựu thanh niên xung phong.
Trên cơ sở các tài liệu hướng dẫn về rà soát, các địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền mục đích, yêu cầu của việc rà soát, tổ chức tập huấn hướng dẫn đến tận cấp xã, những người trực tiếp tham gia rà soát và đã có thí điểm từng quận/huyện. Vì vậy, dù lực lượng tham gia việc rà soát tuy không phải là người trực tiếp làm chính sách nhưng có sự hướng dẫn về nghiệp vụ, quy trình cụ thể của rà soát nên sẽ không khó khăn đối với họ.
PV: Còn vấn đề công khai để người dân tham gia giám sát cuộc tổng rà soát này được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Dương Minh Đỗ: Để tránh tình trạng quan liêu, cảm tính của cán bộ trực tiếp rà soát, tại mỗi Ban rà soát phải phân công nhiệm vụ cụ thể, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn rà soát cho từng thành viên; thông báo công khai số điện thoại liên hệ để tiếp nhận ý kiến phản hồi của nhân dân.
Đặc biệt, đợt tổng rà soát này có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền, phổ biến những chính sách ưu đãi người có công của Đảng, Nhà nước.
Người dân nếu có những vấn đề chưa đồng tình với người đi rà soát hoặc phản ánh những vấn đề liên quan đến việc rà soát tại địa phương có thể phản ánh thông qua số điện thoại do Ban rà soát đã cung cấp công khai hoặc có thư gửi đến cơ quan Lao động –Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan Mặt trận Tổ quốc để xem xét, giải quyết./.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Nguồn: ĐCSVN, 11/04/2014, Kim Thanh (thực hiện).