20/01/2014 02:47

Tìm giải pháp để Tây Nguyên phát triển bền vững

 

Ngày 17/1/2014, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai công tác năm 2014.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an,
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

 Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên dự và chỉ đạo hội nghị.

Năm 2013 vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên đã duy trì được tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hoàn thành cơ bản nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội. Tổng sản phẩm (GDP) của các tỉnh Tây Nguyên tăng 10,69%; GDP bình quân đầu người đạt 31,26 triệu đồng, tăng 16% so với năm 2012.

Toàn vùng huy động 32.300 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Cũng trong năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đào tạo nghề cho 63 nghìn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 41,5%; giải quyết việc làm cho 114 nghìn người, nhờ đó đã có 44 nghìn hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,64%...

Tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang đánh giá cao những thành tựu mà các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Đồng chí Trần Đại Quang yêu cầu: Năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần đôn đốc thực hiện kết quả về giám sát quy hoạch, đầu tư phát triển thủy lợi, thủy điện; tập trung giải quyết các tồn đọng về xã hội, môi trường trong các vùng dự án; đề xuất tiếp tục thực hiện các dự án cấp điện cho các thôn, buôn, làng chưa có điện ở Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên từ nay đến năm 2015…

Về phát triển giao thông, Đại tướng yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng. Bộ Giao thông vận tải đảm bảo tiến độ đầu tư và chất lượng nâng cấp đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn qua Tây Nguyên đến năm 2015, đồng thời, sớm khởi công dự án kéo dài đường cất, hạ cánh sân bay Pleiku.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai Đề án tổng thể của ngành Ngân hàng hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như tái canh cà phê, cao su, chăn nuôi đại gia súc; thực hiện các mô hình sản xuất nông, công nghệ cao, xây dựng hạ tầng sản xuất, phát triển du lịch.

Đại tướng Trần Đại Quang cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp và chủ động xây dựng các mô hình sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; lập quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ lợi vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; giám sát, tham mưu thực hiện chủ trương quản lý bảo vệ rừng; đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn.

Các địa phương, bộ, ngành theo dõi, đôn đốc việc xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo ở các địa bàn KTXH đặc biệt khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên; tập trung theo dõi, kiểm tra việc củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho con em đồng bào các dân tộc; phát triển hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã trao gần 8 tỷ đồng (nguồn kinh phí do các nhà hảo tâm đóng góp) cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo ở các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận.

Bình Minh (Chinhphu*vn).