Việc ban hành Nghị quyết cho phép người lao động tiếp tục được hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho thấy nguyện vọng chính đáng của một bộ phận cử tri đã được Quốc hội lắng nghe, kịp thời sửa đổi để đảm bảo lợi ích cho người lao động.
|
Được hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nguyện vọng của nhiều người lao động. Ảnh: Minh Châu
|
Ngày 22/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, với 81,78% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc. Theo đó, Nghị quyết cho phép kéo dài việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Theo Nghị quyết được thông qua, Quốc hội nhất trí cho phép người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014).
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách, tổ chức tư vấn để tạo điều kiện cho người lao động được bảo lưu tham gia bảo hiểm xã hội hoặc lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật. Đến năm 2020, Chính phủ đánh giá, tổng kết chính sách, cần thiết báo cáo Quốc hội để xem xét, sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với thị trường lao động, điều kiện kinh tế - xã hội và mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia hệ thống an sinh xã hội.
Như vậy, việc không sửa điều 60 mà ban hành Nghị quyết cho phép người lao động tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho thấy nguyện vọng chính đáng của nhiều người lao động đã được Quốc hội lắng nghe và kịp thời sửa đổi.
Đón nhận thông tin này, nhiều người lao động cảm thấy vô cùng phấn khởi. Có công nhân ở Công ty PouYuen - nơi xảy ra vụ ngừng việc phản ứng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 vào cuối tháng 3/2015 đã rưng rưng nước mắt vì xúc động khi chứng kiến những vị đại biểu Quốc hội nói lên tiếng nói của cử tri là những người lao động nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho họ.
Không vui sao được bởi có thể số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần dù không nhiều và khiến người lao động đối mặt với nhiều bất trắc của cuộc sống, nhưng đúng như tâm sự của một công nhân xa quê hương, không ai biết được cuộc sống sau này thế nào trong khi hiện hữu ngay trước mắt họ là những ngày tháng lao động mệt nhọc, những đứa con đã lâu ngày không được gặp mẹ cha mà số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần mai này họ quyết định nhận sẽ là cứu cánh để có chút vốn làm ăn khi quyết định về quê lập nghiệp, đoàn tụ, vui vầy cùng gia đình.
Bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đánh giá Nghị quyết này đã đáp ứng được sự mong muốn, trăn trở của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có quyền lựa chọn và đáp ứng được hầu hết mong muốn của người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Tùng, vẫn còn bất cập nữa là mức hưởng lương hưu giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn còn quá chênh lệch. Tổ chức công đoàn đã kiến nghị với Quốc hội sửa đổi để tất cả mọi người lao động đều được bình đẳng trước pháp luật./.
Nguồn: ĐCSVN/ Minh Châu