Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, phương thức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để bổ khuyết cho điểm còn tồn tại trong việc bổ nhiệm cán bộ theo quy hoạch, quy trình.
Ngày 16/3, lần đầu tiên Bộ Tư pháp tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ, thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp giai đoạn 2013 - 2015. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đã chia sẻ với phóng viên xung quanh nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
chia sẻ với báo chí (ảnh TH)
PV: Căn cứ từ đâu để Bộ Tư pháp lựa chọn thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp Vụ lần này, thưa Bộ truởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Điều này trước hết từ chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020. Thực ra, Bộ Tư pháp đã có ý định triển khai mô hình này từ lâu và thông qua Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ gần 2 năm rồi. Thực tế đã tiến hành thi tuyển lãnh đạo cấp Phòng lần thứ nhất, lần này mở rộng thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ.
PV: Thưa Bộ trưởng, tại sao lần này chỉ thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ đối với một chức danh duy nhất là Phó Giám đốc Học viện Tư pháp?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thực ra lần này Bộ Tư pháp quyết định thi tuyển ở 3 vị trí: Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, một Thủ trưởng đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và một trưởng phòng thuộc một đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp. Nhưng rất tiếc là hai vị trí sau mỗi vị trí chỉ có một ứng cử viên tham gia, trong khi quy định số lượng ứng viên dự thi phải có số dư ít nhất là một người đối với mỗi vị trí tuyển, đồng thời những ứng cử viên này lại là người tại đơn vị nằm trong quy hoạch.
Đối với việc thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, Học viện Tư pháp đặc thù là đào tạo không chỉ các chức danh tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý mà còn có các chức danh do Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia quản lý nên chúng tôi rất muốn mở rộng đối tượng dự tuyển. Chúng tôi đã mời cả những luật sư đang hành nghề, cán bộ pháp chế các Bộ, doanh nghiệp nhà nước nhưng tiếc là sự hưởng ứng vẫn chỉ từ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
PV: Vậy, Bộ Tư pháp sẽ có chính sách nào để khuyến khích mọi người tham gia vào các kỳ thi tuyển chọn lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ của Bộ?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chính sách gì thì cũng không thể vượt quá chính sách của Đảng, Nhà nước, ví dụ như đối với Học viện Tư pháp là đơn vị sự nghiệp có thể tự chủ hơn với các chính sách khuyến khích “đầu vào” như: chính sách về tiền lương, nhà ở… Tuy nhiên, trong trường hợp này hiện vẫn chưa vận dụng chính sách nào cả, nên có thể chưa có sức thu hút những người ngoài tham gia thi tuyển lần này chăng?.
PV: Đông đảo cán bộ, công chức Học viện Tư pháp đã đến cùng chứng kiến kỳ thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, vậy ý kiến đánh giá của các đối tượng này về hai thí sinh sẽ quyết định bao nhiều phần trăm kết quả thi tuyển?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chúng tôi đã cố gắng tối đa làm dân chủ, công khai, minh bạch quá trình thi tuyển và đặc biệt đã mời tất cả cán bộ, công viên chức Học viện Tư pháp đến dự với tư cách là quan sát viên, có quyền đánh giá các ứng cử viên. Kết quả đó sẽ tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thi tuyển khi tính điểm của ứng cử viên và quyết định người được lựa chọn.
Theo tôi, quan trọng hơn đây là kỳ thi tuyển lãnh đạo của Học viện Tư pháp nên sự tham gia của cán bộ chủ chốt và cán bộ, nhân viên Học viện Tư pháp ngoài ý nghĩa lấy phiếu tín nhiệm thì mọi người được chứng kiến cách làm công khai, minh bạch của Hội đồng thi tuyển và sau này người trúng tuyển được bổ nhiệm, tôi tin rằng sẽ nhận được sự ủng hộ của tập thể cán bộ, công viên chức Học viện Tư pháp và chắc chắn sẽ làm tốt hơn các công việc, nhiệm vụ được giao.
PV: Bộ trưởng có kỳ vọng điều gì qua lần thi tuyển này?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Lâu nay chúng ta vẫn thực hiện việc bố trí, sắp xếp cán bộ trên cơ sở quy hoạch. Đương nhiên quy hoạch sẽ mang tính chủ động và gắn lền với đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, thậm chí cả luân chuyển. Tôi cho đây là một cách làm rất hay. Thực tế cho thấy phần lớn cán bộ lãnh đạo quản lý của Bộ Tư pháp đã được bố trí theo quy hoạch và qua quy trình. Tuy nhiên, việc quy hoạch đó cũng có mặt chưa tốt là việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ở những nguồn khác từ ngoài Bộ, ngành thậm chí ngoài cơ quan nhà nước là không thể hoặc khó quy hoạch. Thậm chí ngay trong các đơn vị thuộc Bộ, có nơi, có lúc làm quy hoạch cũng mang tư tưởng khép kín không mở rộng đối tượng quy hoạch ra bên ngoài. Vì vậy, tôi cho rằng phương thức thi tuyển lãnh đạo là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để bổ khuyết cho điểm còn tồn tại trong việc bổ nhiệm cán bộ theo quy hoạch, quy trình.
PV: Nói vậy thì nếu thí điểm thành công có cần phải thực hiện quy hoạch cán bộ dài hạn nữa không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi cho rằng vẫn phải quy hoạch. Đây là chủ trương đúng, rất cần phải làm, nhưng ngoài ra tôi cũng thấy để bổ khuyết cho những bất cập trong công tác quy hoạch thì thi tuyển cần tăng cường. Hai hình thức này được thực hiện song song với nhau, mỗi kỳ đều cùng thực hiện quy hoạch và thi tuyển, lựa chọn một số chức danh thì rất tốt.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng việc thi tuyển mới chỉ là “đầu vào” và chương trình hành động của thí sinh thi tuyển vẫn còn trên “giấy”. Vậy sau khi trúng tuyển, việc giám sát thực hiện chương trình hành động của những người trúng tuyển sẽ được tiến hành như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Hôm nay, thi tuyển nếu không có gì thay đổi sẽ có một người trúng tuyển và được bổ nhiệm trong vài ngày tới không cần qua các quy trình như bình thường. Bởi, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có ý kiến nên sẽ được bổ nhiệm ngay. Tôi tin những người đã dũng cảm tham gia kỳ thi này thì cũng đã chuẩn bị tốt về nội dung, tinh thần, tư thế để sẵn sàng nhận nhiệm vụ và chắc chắn sẽ có sự giám sát theo sơ kết từng kỳ, tổng kết vào năm 2015 và cố gắng kết thúc thời kỳ thí diểm đưa vào việc làm thường xuyên trong bố trí cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng/.
Nguồn: ĐCSVN, 16/3/2014/Thu Hằng (ghi)