30/01/2014 00:33

Tết sớm với bộ đội biên phòng và người dân nghèo vùng cao Tây Bắc

Cùng với đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chúng tôi có dịp đến thăm và được đón tết sớm cùng với những người lính biên phòng Đồn 461, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, Sơn La. Được chứng kiến, nghe các anh tâm sự, chúng tôi mới thấy được những hy sinh thầm lặng của những người lính đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

“Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng ở lại”

Đó là tâm sự của hầu hết các chiến sĩ ở Đồn biên phòng Đồn 461. Dù không được sum vầy bên người thân, gia đình vào dịp Tết nhưng các chiến sĩ được sống trong tình thương mến của đồng đội, tình cảm gia đình của bà con dân bản.

Vượt qua hơn 70 km đường núi quanh co, chúng tôi đến được với đồn biên phòng 461. Dù ngoài trời mưa phùn nhưng mọi hoạt động tại đồn biên phòng không vì thế mà bị ngưng trệ. Biết tin đoàn công tác của Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đến, rất nhiều người dân trên địa bàn đã đến đón từ sớm với tâm trạng phấn khởi, vui mừng. Điều đó như đã xua tan mọi giá lạnh, chỉ còn hơi ấm của tình đồng đội, tình quân dân và tình nhân ái của người miền xuôi với người miền núi.

 GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 461 (Ảnh: HM)


Thượng tá Vũ Trí Dũng, Đồn trưởng Đồn biên phòng 461, người đã gắn bó với biên giới 27 năm thì đã có 13 Tết anh ăn Tết xa nhà. Tuy đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, anh cũng như các chiến sĩ bộ đội biên phòng vẫn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và cùng với nhân dân tổ chức đón năm mới vui, tiết kiệm.

Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, nhân dân là người thân”, với các anh được đón Tết trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào không chỉ là niềm vui mà đó còn là niềm hãnh diện. Tết Giáp Ngọ 2014, mặc dù theo tiêu chuẩn được về đón Tết với gia đình, nhưng anh đã xung phong ở lại cùng đón Tết với đồng đội chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn xã Chiềng On.

Thượng tá Vũ Trí Dũng chia sẻ: Đã trở thành một thói quen, năm nào cũng vậy, bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên vùng biên cương để người dân yên tâm đón Tết, các chiến sĩ bộ đội Đồn biên phòng còn phân công nhau đến những hộ gia đình nghèo lợp lại mái nhà; hướng dẫn người dân cách thức chuẩn bị sắm Tết tiết kiệm, hiệu quả… phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức những buổi gặp mặt, giao lưu văn nghệ, nhảy sạp, múa xòe Thái… Tết Giáp Ngọ năm nay đã đến sớm hơn với người dân và chiến sĩ đồn biên phòng 461 và nhân dân xã Chiềng On khi được đón tiếp đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến thăm và tặng quà Tết.

Mỗi người lính biên phòng ngay từ khi nhập ngũ, quan điểm rất rõ ràng đã mang trên mình quân hàm của người lính thì sẽ hoàn thành tốt tất cả mọi nhiệm vụ mà tổ chức phân công. Đặc biệt, đối với những người lính luôn túc trực ở biên cương thì đây là nhiệm vụ, trách nhiệm, và rồi nó trở thành một thứ tình cảm khó nói hết bằng lời. Vì vậy, bản thân anh cũng như các chiến sĩ hầu như đều không có khái niệm về quê ăn Tết.

Bên cạnh những nhiệm vụ thường ngày như đi tuần tra biên giới, thông đường núi sạt lở, giúp dân bản tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vận động con em trong bản tới trường học cái chữ, người lính biên phòng còn quan tâm đến cả cuộc sống hằng ngày, đến nồi bánh chưng, bánh dày của dân bản vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Xuân sớm với những người dân nghèo vùng cao Tây Bắc

Những nụ cười và niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt và ánh mắt của mỗi người dân và chiến sĩ bộ đội biên phòng Đồn 461. Bà Hủy Thị Kinh, ở xã Chiềng On phấn khởi nói “mừng lắm, vui lắm vì đây là lần đầu tiên gia đình tôi được nhận quà từ Trung ương. Tết này sẽ có thêm nhiều bánh chưng cho bọn trẻ con rồi…”.

Cô giáo Nguyễn Thị Oanh, giáo viên trường Tiểu học Chiềng On bộc bạch: Nhà cô ở thị trấn Yên Châu, cách đây khoảng 40 km, bản thân cô vào đây “cắm bản” đã được hơn 10 năm. Những ngày đầu mới ra trường, chân ướt chân ráo mang theo những nhiệt huyết của tuổi trẻ làm giáo viên tại đây, dù đã chuẩn bị tâm lý đón nhận những khó khăn phía trước nhưng cô và nhiều đồng nghiệp cũng không khỏi thất vọng bởi điều kiện vật chất, cơ sở dạy học thiếu thốn, nghèo nàn, đặc biệt là những bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên với người dân và học sinh.

“Năm nào cũng vậy, các thầy cô giáo trong trường đều phối hợp với các trưởng bản, bộ đội đến từng nhà người dân để vận động người dân cho trẻ đến trường. Hơn 10 năm bám bản, niềm vui với cô là mỗi sáng lên lớp không còn thấy ghế trống của học sinh, tận mắt thấy các em trưởng thành, khôn lớn. Thế là cảm thấy mãn nguyện lắm rồi”. Cô Oanh cho biết.

Theo cô Oanh, đặc biệt hơn, năm nay thầy trò trường Tiểu học Chiềng On và các trường THCS đóng trên địa bàn được đón đoàn công tác của Trung ương đến thăm và tặng quà Tết. Đây là động lực để cô tiếp tục cố gắng bám bản, “gieo con chữ” cho những trẻ em nơi này.

 GS.TS. Tạ Ngọc Tấn đến thăm và tặng quà Tết cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn
 ở bản Nà Đít 2, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, Sơn La. (Ảnh: HM)


Theo chân một chiến sĩ Đồn biên phòng 461, chúng tôi đến thăm 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Bản Nà Đít 2, xã Chiềng On.

Cách Đồn 461 khoảng 4km, thôn Nà Đít 2 có 196 hộ gia đình, thì có tới 97 hộ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống của người dân trong bản chủ yếu dựa vào nghề trồng trọt và chăn nuôi. Người dân nơi đây vẫn sản xuất theo cách làm truyền thống nên hiệu quả kinh tế thấp. Trước đây, cứ đến những tháng giáp hạt là hầu như hộ gia đình nào cùng thiếu thóc, thiếu gạo - Trưởng bản Nà Đít 2, ông Vì Văn Bun cho biết.

Vài năm trở lại đây, nhờ có sự giúp đỡ, hướng dẫn của các chiến sĩ Đồn biên phòng 461, bà con đã biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương; các chiến sĩ đến tận nhà để chỉ cách giữ gìn và dự trữ thóc gạo cho những tháng giáp hạt; dạy cách vệ sinh môi trường để tránh các bệnh truyền nhiễm… Nhờ vậy đời sống của người dân đã thay đổi rất nhiều, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống khá giả, có của ăn của để…

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Đã thành thông lệ trong những năm gần đây, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều tổ chức các đoàn công tác đi thăm hỏi, tặng quà cho các chiến sĩ các Đồn biên phòng và nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Hoạt động thăm hỏi, tặng quà Tết trước hết là thực hiện chủ trương của Ban Bí thư trong việc quan tâm chăm lo cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là sự quan tâm dành cho các chiến sĩ vùng biên cương Tổ quốc. Mặt khác, qua chuyến đi cũng thể hiện tình cảm yêu thương, sẻ chia của cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường đối với nhân dân và chiến sĩ biên phòng đóng quân trên những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Tây Bắc đang vào xuân, cảnh sắc núi rừng nơi biên giới thật đẹp. Hoa đào, hoa mận khoe sắc báo hiệu mùa xuân mới đến với người dân và những người lính Đồn biên phòng Chiềng On. Hy vọng những tình cảm của Đoàn công tác cũng như tấm lòng của người dân miền xuôi dành cho nhân dân và những chiến sĩ biên phòng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên để các anh tiếp tục “chắc tay súng” bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc./.

Hoàng Mẫn, ĐCSVN 29/1/2014