Ngày 7/4/2014, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sản xuất công nghiệp quý I có nhiều dấu hiệu khả quan, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: K.D) |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mức tăng trên cao hơn mức tăng 4,6% của quý 1 năm 2013. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá, cao hơn mức tăng của toàn ngành (tăng 7,3%), điều này cho thấy sản xuất của một số ngành có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, ngành khai khoáng giảm 2,9% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do sự cố xì van đường ống cấp khí trên giàn BRA tại hệ thống khí PM3 cung cấp cho 2 nhà máy điện Cà Mau và tháng 3 thời tiết mưa nhiều không thuận lợi cho công tác khai thác, bên cạnh đó các doanh nghiệp trong ngành than, khoáng sản điều tiết sản lượng khai thác để cân đối với khả năng tiêu thụ sản phẩm và giảm hàng tồn kho.
Một số ngành như dệt may, da giày sản xuất tương đối thuận lợi trong 3 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu và tiêu thụ đang có mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý II, thậm chí cho cả năm đối với các doanh nghiệp dệt may và đến tháng 8 đối với các doanh nghiệp da giày.
Cũng tính đến hết tháng 2/2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,3% so với mức tăng cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu là nhóm hàng chế biến, bảo quản thủy sản, sản xuất bia, thuốc lá, dệt may…
Do tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho của một số sản phẩm cao so với cùng năm trước. Tính đến hết 1/3, lượng tồn kho tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao đó là: chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (tăng 46,7%); sản xuất mỳ (70,7%); thức ăn gia súc gia cầm (41,2%); sản xuất ô tô xe máy (62,7%)…
Tại buổi họp báo, đại diện Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới sẽ được Bộ Công Thương tính toán theo đúng quy định, xem xét các yếu tố điều chỉnh giá điện sau khi có báo cáo kiểm toán, xem xét tới việc điều chỉnh giá khi có thay đổi trong 4 thông số đầu vào cơ bản. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét tới các yếu tố khác như chỉ số tiêu dùng, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp nếu có quyết định tăng giá điện.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định sẽ đảm bảo cung cấp điện đầy đủ trong mùa khô tới. Trong những trường hợp có sự cố đặc biệt thì sẽ yêu cầu các biện pháp xử lý thích hợp để đảm bảo không làm gián đoạn việc cung cấp điện.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thanh Hải cũng cho rằng cần bảo vệ quyền lợi của người dân. Tháng 4 tới đây sẽ có chỉ thị công khai hóa, minh bạch hóa giá điện và xăng dầu.
Nguồn: ĐCSVN, 08/04/2014, Kim Dung