08/01/2014 11:08

Quyền của các dân tộc thiểu số Việt Nam thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi

Từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, việc tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số trong sự đa dạng bản sắc và quan điểm cần quan tâm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số khắc phục các điều kiện khó khăn để cùng cả nước phát triển kinh tế - xã hội đã được nhấn mạnh trong Hiến pháp đầu tiên (năm 1946). Qua những chặng đường cách mạng Việt Nam, quan điểm này luôn nhất quán trong bốn bản Hiến pháp đã có, trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua, quyền của các dân tộc thiểu số càng được nhấn mạnh.


 
Ruộng bậc thang Tây Bắc - ảnh tuoitre*vn/Nguyễn Thanh Tùng
(ảnh chỉ có tính minh hoạ)


Trong lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bước nhận thức được vai trò của địa bàn miền núi biên giới, hải đảo và có các chính sách khá khôn ngoan để giữ yên những vùng này nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống lại âm mưu xâm lược và xâm lấn. Tuy nhiên, những chính sách mềm dẻo đó trước hết và trên hết nhằm mục đích bảo vệ ngai vàng, bảo vệ hoàng tộc. Các ưu đãi của triều đình với biên cương, hải đảo chỉ dừng ở các thủ lĩnh chứ chưa mang lại sự phát triển đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa cho số đông đồng bào các dân tộc. Đó hoàn toàn chưa phải là một chính sách xã hội - nói theo ngôn ngữ hiện đại; và đây chính là điều khác biệt về bản chất nếu so với Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo.

Với vị trí quan trọng (chiếm 2/3 diện tích đất đai, chứa đựng nhiều tiềm năng lớn về nông, lâm nghiệp, về công nghiệp, năng lượng, khoáng sản, về văn hóa, du lịch) ở Việt Nam, miền núi và các dân tộc thiểu số vẫn (và luôn) là thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển và bảo vệ đất nước. Bối cảnh tình hình mới đang đòi hỏi chúng ta nhận thức rõ và giải quyết các nhiệm vụ mới trên nhiều lĩnh vực: xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo,... tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện bình đẳng dân tộc, chống lại các âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc để gây rối loạn, ly khai.

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã và đang từng bước được hiện thực hóa trong quá trình cách mạng. Chính vì thế, cùng với quá trình giành lại nền độc lập dân tộc, các dân tộc ở Việt Nam cũng được giải phóng, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được khẳng định; đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế... của các dân tộc thiểu số được từng bước nâng cao, an ninh chính trị và toàn vẹn lãnh thổ được bảo đảm vững chắc dù kẻ thù không ngừng chống phá với nhiều âm mưu, thủ đoạn. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam trong hơn 68 năm qua.

Trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trước đây và của nước CHXHCN Việt Nam ngày nay, việc khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số đều được ghi tại các chương đầu: Chương I (Hiến pháp năm 1959, 1992) hoặc Chương II (Hiến pháp năm 1946, 1980) sau khi khẳng định: Nước Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, là một khối thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không thể chia cắt, mỗi công dân Việt Nam có quyền, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Qua văn bản, dễ nhận thấy các bản Hiến pháp đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc đang đòi hỏi ở những giai đoạn cách mạng khác nhau nhưng đều nhất quán nêu bật tinh thần: Các dân tộc thiểu số có quyền bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau để cùng tiến bộ. Tinh thần đó tiếp tục được nhấn mạnh và làm rõ hơn trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Điều 5, Hiến pháp sửa đổi ghi rõ: "1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước". Đặc biệt, không chỉ được nhấn mạnh ở Điều 5 như trích dẫn ở trên, với Hiến pháp sửa đổi, quyền của các dân tộc thiểu số còn được làm rõ, nhấn mạnh hơn ở những chương sau của Hiến pháp trên từng lĩnh vực cụ thể và làm rõ hơn vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền đó. Như Điều 42, Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: "Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp"; hay Điều 61, Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường: "Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...".

Hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản chính sách phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2006 - 2012, Nhà nước đã có 160 văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, với kinh phí ngân sách lên tới 55.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ đô-la Mỹ). Với nguồn lực đó, nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả tốt như Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo bền vững; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo... Về mặt xã hội, cần khẳng định trong nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia chính quyền các cấp ở các địa phương, đại diện và phát biểu cho quyền lợi của dân tộc mình và cả các dân tộc thiểu số anh em ngày càng tăng. Những chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng núi, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã góp phần cải thiện nhiều mặt đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tại đây. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng có đông người dân tộc thiểu số đã giảm từ 32,6% năm 2009 xuống còn 24,3% năm 2012. Cơ sở hạ tầng ở các vùng này cũng đã có sự cải thiện rõ rệt: 98,6% số xã miền núi đã có đường ô-tô đến trung tâm; 99,8% số xã và 95,5% số thôn được sử dụng điện sinh hoạt. Năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020. Người dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng miền được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa mang bản sắc dân tộc mình. Năm 2012, 100% số xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc giáo dục tiểu học bình quân cả nước đạt gần 98%, trong đó 95% số trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường. Tất cả các tỉnh, vùng có đông người dân tộc thiểu số đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế. Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Mạng lưới chăm sóc y tế cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng phát triển nhanh chóng: 99,39% số xã đã có trạm y tế, 77,8% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến năm 2011, có 94,2% số thôn có cán bộ y tế. Các dịch bệnh (đặc trưng điển hình) ở vùng dân tộc thiểu số như sốt rét, bướu cổ cơ bản đã được khống chế và đẩy lùi; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể... Đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí.

Quan tâm tới quyền của các dân tộc thiểu số trong đời sống vật chất -tinh thần để tiến tới đạt mặt bằng chung của cả nước, đồng thời Nhà nước Việt Nam cũng hết sức quan tâm, bảo vệ, hỗ trợ quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Đó là cơ sở quan trọng để Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer được thành lập, kinh sách Phật giáo bằng tiếng Khmer được nhập khẩu để phục vụ đào tạo chức sắc và sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Khmer. Đồng bào dân tộc Chăm theo Hồi giáo và đạo Bàlamôn được tạo điều kiện thành lập các Ban đại diện cộng đồng nhằm hỗ trợ việc sinh hoạt tôn giáo, gìn giữ và phát triển tôn giáo truyền thống. Kinh thánh song ngữ tiếng Việt - Ba Na / Ê Đê / Gia Rai cũng được dịch và phát hành để đáp ứng nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên.

Mỗi dân tộc thiểu số có phong tục truyền thống, tâm lý, tính cách riêng; trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa giữa các dân tộc cũng không đồng đều. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất, thượng tầng văn hóa ở khu vực miền núi với đồng bào các dân tộc thiểu số cần có những biện pháp, những bước đi thích hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể của từng dân tộc, trong đó phải đặc biệt chú ý tới những nét đặc thù (địa bàn cư trú, phong tục truyền thống - các đặc điểm tự nhiên và xã hội) của các dân tộc đó. Thực hiện đúng nội dung nhất quán từ Hiến pháp - bộ luật gốc - về quyền của các dân tộc thiểu số, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam càng ngày càng sát gần hơn với tiêu chí cao nhất là: Tôn trọng quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn trọng và bảo vệ những giá trị văn hóa khác nhau của các dân tộc, bảo vệ sự toàn vẹn của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Theo Thiên Phương
(Nguồn: Báo Nhân Dân, 8/1/2014)