Thời gian tới cần tập trung nguồn lực triển khai chính sách an sinh xã hội ở những vùng khó khăn nhất, nghèo nhất và sát với nhu cầu của người dân, từ chuyện ăn ở, học hành, đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt văn hóa, tinh thần.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 15/NQ-TW (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 tại buổi làm việc với các thành viên Ban Chỉ đạo, ngày 2/4, tại Hà Nội.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Đình Nam
|
Đánh giá lại 2 năm thực hiện Nghị quyết 15/NQ-TW, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chương trình an sinh xã hội đã thu được nhiều kết quả tích cực nhưng các bộ, ngành cần tiếp tục đổi mới tư duy, lồng ghép nhiều chương trình để vừa tiết kiệm, hiệu quả, vừa sát nhu cầu của người dân. Mục tiêu là hỗ trợ đúng đối tượng, tránh bao cấp, cào bằng, đồng thời khuyến khích người được hỗ trợ chủ động vươn lên.
Nêu hiệu quả từ chính sách cho người nghèo vay tiền xây nhà, thay vì hỗ trợ toàn bộ hoặc chính sách cho sinh viên vay đi học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian tới việc triển khai chính sách an sinh xã hội cần trên tinh thần “Nhà nước ưu tiên bằng cơ chế”, tập trung trước hết cho những vùng khó khăn nhất, nghèo nhất.
Đồng thời, các chương trình an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo cần thực hiện theo quy luật thị trường, trong đó các bộ, ngành không trực tiếp tham gia và dứt khoát loại bỏ tư tưởng ỷ lại. Song song với đó là chính sách hỗ trợ người yếu thế với nòng cốt là các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quỹ an sinh, phúc lợi, lấy số đông bù cho số ít, người giàu bù cho người nghèo.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, qua 2 năm thực hiện, nguồn ngân sách dành cho các chương trình an sinh xã hội đạt 5,04% GDP năm 2014. Quyền được hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội cho người dân được mở rộng hơn; nhất là chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy: Tính đến ngày 12/1/2015, 95,39% người có công được hưởng đúng, đầy đủ chế độ, chính sách; 96% gia đình người có công đạt mức sống trung bình trở lên so với địa phương nơi cư trú.
Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 5,8-6% (giảm 4% so với cuối năm 2012); tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo còn 33,2% (giảm 11%). Mức trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã tăng từ 180 nghìn đồng/người/tháng lên 270 nghìn đồng/người/tháng. Đối tượng hưởng chính sách trợ cấp tiền mặt thường xuyên tại cộng đồng đạt khoảng 2,7 triệu người (năm 2012 là 2,37 triệu người); số đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội là 41.450 người.
Trong giai đoạn 2012-2014 Chính phủ đã ban hành 7 văn bản hướng dẫn thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, hỗ trợ, miễn giảm học phí, chi phí học tập… Năm 2014 đã cơ bản phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được tăng cường; tiếp tục thực hiện phổ cập trung học cơ sở; tăng cường tỷ lệ sinh viên trên 1 vạn dân và tỷ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở nên. Số người tham gia bảo hiểm y tế ở thời điểm cuối 2014, đạt 64,1 triệu người, chiếm 70,72% dân số; trên 11,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, hơn 9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành hỗ trợ 700 hộ nghèo về nhà ở ứng phó với lũ, lụt; 78 dự án với 19.686 căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị; 64 dự án gồm 20.727 căn hộ nhà ở xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp; bố trí chỗ ở cho 145.000 sinh viên, tương ứng 73% nhu cầu. Tỷ lệ xã miền núi, biên giới, hải đảo được phủ sóng phát thanh đạt 99,9%; phủ sóng truyền hình đạt 99,8%; có đài truyền thanh đạt 88%.
Mặc dù nhiều mục tiêu về ưu đãi người có công và an sinh xã hội đạt được nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nhìn nhận là chất lượng chưa cao. Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công triển khai còn chậm; đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc; chất lượng phổ cập giáo dục còn chênh lệch; vẫn còn khoảng 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia còn thấp.
Một số mục tiêu chưa đạt được trong giai đoạn 2012-2014 là: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tăng chậm; phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chồng chéo về văn bản, phân tán nguồn lực, lồng ghép không hiệu quả… Nguồn lực thực hiện chính sách hạn hẹp, mức độ tuân thủ chính sách còn chưa cao, công tác xã hội hóa còn nhiều bất cập. Công tác triển khai chưa đồng đều ở các địa phương, còn biểu hiện hình thức khi xây dựng và tổng kết các chương trình, chính sách về an sinh xã hội; công tác xây dựng luật, chính sách về an sinh xã hội còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội./.
Nguồn: ĐCSVN/ Theo TTXVN