Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới thi cử không được để học sinh rơi vào tình trạng “học tủ, học lệch”.
Năm học 2013-2014 là năm có ý nghĩa quan trọng khi ngành giáo dục triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục theo Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Việt Nam có đủ tự tin để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Tuy nhiên, cách thức đổi mới phải thận trọng và tránh dàn trải, gây lãng phí lớn cho xã hội. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 13/2.
-
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị |
-Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục có nhấn mạnh đến cải tiến và đổi mới thi cử. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án thi tốt nghiệp THPT và đã được lấy ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân. Theo những phương án được đưa ra, bắt đầu từ năm nay, học sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ phải thi 4-5 môn. Rõ ràng, đây là một bước tiến trong đổi mới thi cử nhằm giảm áp lực cho học sinh, tốn kém kinh phí cho xã hội, thời gian tổ chức thi.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cảnh báo rằng, Bộ GD-ĐT không nên nóng vội mà hãy tiếp thu ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân đối với việc giảm các môn thi tốt nghiệp THPT để làm sao vẫn đảm bảo giảm tải thi cử nhưng học sinh không “học lệch, học tủ”. Bởi vì nếu các em học sinh chỉ thiên về học những môn đi thi mà sao nhãng các môn khác thì sẽ dẫn tới việc chúng ta sẽ đào tạo ra những thế hệ tương lai “lệch” chuẩn về nhiều thứ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, việc giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT phải gắn với việc xóa bỏ bệnh thành tích khi mà trong những năm gần đây, vẫn còn rất nhiều trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao đến 98%. Theo đó, cần cân nhắc đến việc giao cho các địa phương tỷ lệ 20% miễn thi tốt nghiệp.
Nếu việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà chất lượng, hiệu quả thì cho dù các địa phương có mất nhiều công sức vẫn nên làm. Còn nếu tổ chức thi, miễn thi không hiệu quả thì cần phải xem xét lại. Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải phát huy được năng lực, kiến thức toàn diện của học sinh và định hướng nghề nghiệp cho các em. Việc đổi mới thi cử phải hạn chế sự thay đổi liên tục và phải gắn với kỳ thi ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT khuyến cáo các địa phương, trường học tuyên truyền đến từng gia đình không chỉ dạy kiến thức văn hóa mà phải ưu tiên dạy các em cách thức để trở thành một công dân biết yêu Tổ quốc, yêu lao động, có lối sống, đạo đức tốt và không ngừng rèn luyện bản thân./.
Bích Lan/VOV online, 13/2/2014.