28/03/2014 11:09

Phát triển nghề công tác xã hội gặp nhiều khó khăn

Công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghề công tác xã hội là một nghề mới nên đang gặp nhiều khó khăn để phát triển.

 

 Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại cuộc họp
(Ảnh: KT)

Sáng 27/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức cuộc họp thường niên Dự án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) tại Việt Nam.

Chia sẻ tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm đánh giá: Qua 4 năm triển khai, Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 đã tạo ra nhiều kết quả khả quan bước đầu trong xây dựng chính sách, củng cố đội ngũ và mạng lưới, xây dựng giáo trình, tăng cường truyền thông cũng như hợp tác quốc tế.

Theo đó, về khuôn khổ pháp lý, hàng loạt các văn bản như: Thông tư quy định về chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH; Thông tư quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH); hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên cấp xã ngành CTXH... đã được các cơ quan chức năng biên soạn.

Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH đã được củng cố, phát triển. Đến nay, cả nước có trên 30 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình Trung tâm CTXH. Các Trung tâm này đã được Dự án hỗ trợ kỹ thuật để vận hành mô hình và phát triển dịch vụ CTXH.

Mặt khác, đến nay, cả nước có 21 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH theo Đề án 32, với tổng số gần 8.800 cộng tác viên.

Bên cạnh những kết quả khả quan bước đầu, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng thẳng thắn chỉ ra việc thực hiện Đề án còn nhiều vấn đề tồn tại. Theo Thứ trưởng, về mặt luật pháp, dù chúng ta đã ban hành thêm một số quy định hướng dẫn nhưng tổng thể chưa hoàn chỉnh. Việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên CTXH mới dừng lại ở giai đoạn đầu, kinh nghiệm đào tạo ít; chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy CTXH còn thiếu, nhiều bất cập. Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh “Nếu cứ đào tạo như hiện nay thì không biết họ sẽ làm việc ở đâu? Bởi vào bộ máy nhà nước thì hết chỗ, làm ở cộng đồng thì ai công nhận, ai trả lương, vị trí như thế nào?”.

Làm rõ thêm những khó khăn, tồn tại trên, ông Tô Đức – Trưởng phòng CTXH (Cục Bảo trợ xã hội) phân tích: Khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh, đang trong quá trình được các cơ quan chức năng hoàn thiện nên những quy định về vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội... chưa được xác định cụ thể trong Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.

Tồn tại khác được ông Tô Đức chỉ ra là đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH còn quá mỏng và cũng chưa chuyên nghiệp; các hoạt động hiện tại mang nặng tính quản lý Nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm giúp đỡ họ tự giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, nhất là các cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người tàn tật, người tâm thần còn nghèo nàn; phương pháp chăm sóc, điều trị và trợ giúp đối tượng tại các cơ sở còn nhiều hạn chế; năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng.

Mặt khác, mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ, hệ thống các tổ chức liên quan đến cung cấp các dịch vụ về CTXH hình thành ở ngành LĐ-TB&XH là chủ yếu, chưa hình thành ở ngành y tế, giáo dục....

Theo các đại biểu tham dự cuộc họp, trong thời gian tới, để phát triển nghề CTXH, cần truyền thông làm thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của ngành CTXH và những người làm công tác xã hội. Đồng thời cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa phương thức đào tạo cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội.../.

Nguồn: ĐCSVN, 27/3/2014, Kim Thanh.