16/02/2015 15:40

Phát triển bền vững nghề công tác xã hội trong giai đoạn mới

Sau hơn 4 năm triển khai (2010 - 2014), Đề án phát triển nghề công tác xã hội (Đề án 32) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong thí điểm các mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH), đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm CTXH, thành lập Hiệp hội nghề CTXH... Những kết quả thu được bước đầu đã góp phần hiệu quả trong việc chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỉ lệ đối tượng dễ bị tổn thương cần sự trợ giúp của các dịch vụ CTXH còn nhiều. Thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, ở nước ta hiện nay, số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH rất lớn, với gần 9 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180 ngàn người nhiễm HIV được phát hiện, khoảng 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước…Với số lượng những người yếu thế nhiều như vậy, nghề CTXH đóng vai trò to lớn trong việc trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm người cộng đồng và các hệ thống xã hội nhằm nâng cao an sinh xã hội.

Trên thực tế, nghề CTXH đã có quá trình phát triển hơn 100 năm trên thế giới và đã tồn tại với tư cách một nghề chuyên nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. So với quá trình phát triển lâu đời đó, nghề CTXH vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, với nghề CTXH, Việt Nam có thể giải quyết hiệu quả vấn đề nghèo đói, các vấn đề xã hội, bất bình đẳng xã hội hay những vấn đề ngày càng phức tạp khác mà Việt Nam đang phải đối mặt. Kể từ khi Đề án 32 về phát triển nghề CTXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 100% các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển nghề CTXH tại địa phương mình. Một số tỉnh, thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy về việc phát triển nghề CTXH tại địa phương.

Thành lập và vận hành hiệu quả nhiều Trung tâm CTXH


Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH), các chính sách liên quan đến CTXH đã ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng như: về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề... Mặc dù thời gian triển khai ngắn nhưng đến nay, nhận thức, hiểu biết về nghề CTXH đã có bước chuyển biến căn bản, đặc biệt là của đội ngũ cán bộ cốt cán thuộc ngành LĐTB&XH hay của một số các hội, đoàn thể. Hầu hết các mục tiêu cụ thể của Đề án 32 giai đoạn 2010 – 2015 đã đạt được, điển hình là mục tiêu về xây dựng, thí điểm mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH. Đã có nhiều mô hình trung tâm CTXH vận hành rất hiệu quả, như Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, TP Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Trong số đó có những Trung tâm đội ngũ nhân lực rất hạn hẹp nhưng cũng đã trợ giúp cho hàng ngàn đối tượng yếu thế trên địa bàn. Nhờ hoạt động hiệu quả, các mô hình Trung tâm CTXH đã giúp cho các tỉnh, thành phố nghiên cứu, học hỏi để chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Như vậy, tính đến nay, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ cho trên 30 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm CTXH, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH trong cả nước là 432 cơ sở; tổng số cán bộ, nhân viên CTXH hiện đang làm việc tại các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH và mạng lưới tại cấp xã gồm 35 ngàn người.

Cùng với việc hình thành các mô hình Trung tâm CTXH, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên CTXH làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội cũng ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên làm CTXH được coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu bởi đội ngũ này góp phần khá hiệu quả trong việc trợ giúp cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống. Hiện đã có 21 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH với tổng số 8.784 cộng tác viên.

Trong quá trình triển khai Đề án, Bộ LĐTB&XH cũng đã hỗ trợ xây dựng, hình thành Hiệp hội dạy nghề và nghề CTXH, đồng thời phát triển mạng lưới và ban hành quy chế hoạt động của Hội tại Việt Nam. Có thể nói, đây là một bước phát triển quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên hợp tác, liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nghề CTXH. Hiệp hội này đã cùng với Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hội Người mù, Hội Phụ nữ, Hội Bảo trợ quyền trẻ em tổ chức các diễn đàn nghề nghiệp của cán bộ xã hội để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động về nghề nghiệp, chuyên môn và các hoạt động khác; trợ giúp và bảo vệ quyền của người nghèo, phụ nữ, trẻ em và người yếu thế trong xã hội.

 

 
Hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật thành phố Đà Nẵng.
(Ảnh: Trần Quỳnh)

 

Từng bước đưa CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 32 trong giai đoạn vừa qua còn gặp nhiều khó khăn. Riêng trong lĩnh vực đào tạo, Bộ LĐTB&XH cho biết: đến nay đã có khoảng 20 trường đào tạo nghề đã hình thành bộ môn hoặc khoa dạy nghề CTXH; xấp xỉ 13.400 người được đào tạo về CTXH; trên 11.400 người được đào tạo chuyên ngành CTXH; 300 giảng viên dạy nghề CTXH được đào tạo cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước; hàng năm hỗ trợ các tỉnh/thành phố bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 10 ngàn cán bộ, nhân viên CTXH… Tuy nhiên, trên thực tế, việc đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng mới chỉ chú trọng đến số lượng; chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở, đơn vị sử dụng nguồn nhân lực CTXH được đào tạo; các chương trình, giáo trình giảng dạy về CTXH còn thiếu, nhiều bất cập. Ông Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo CTXH nhận định: Khó khăn đầu tiên là đội ngũ giảng viên còn chưa hoàn thiện; cơ sở thực hành còn thiếu và yếu; đội ngũ kiểm huấn viên (đào tạo thực hành) cũng còn thiếu. Trong khi đó, chương trình đào tạo vẫn còn chưa chuẩn hóa. Cơ sở vật chất đào tạo cho nghề CTXH vẫn còn những hạn chế nhất định…

Về khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết hiện cũng chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số bộ Luật, Luật liên quan như Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... Số lượng người dân, nhất là những người dân có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AID và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH còn ít. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức ngoài công lập. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng mới chỉ bước đầu được hình thành tại một số địa phương…

Trong những ngày xuân đang cận kề, mong rằng bước sang năm mới, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, những khó khăn trước mắt sẽ từng bước được giải quyết để nghề CTXH sẽ trở thành một nghề chuyên nghiệp thật sự, hoạt động có hiệu quả hơn, tiến tới xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái và phát triển bền vững. Điều đáng lưu ý là các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ CTXH đều là những người yếu thế trong xã hội nên bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, bên cạnh yếu tố về chuyên môn nghiệp vụ, thiết nghĩ những người thực hiện sứ mệnh CTXH rất cần có sự cảm thông và tấm lòng chia sẻ, nếu không sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ đặc biệt này./.

 

Theo ĐCSVN/Phương Nghi