20/03/2014 23:40

Nhiều điểm mới quan trọng khi thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)

Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Để Luật đi vào thực tiễn, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật này.

Để hiểu rõ hơn về những điểm mới trong Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển.

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển.
Ảnh: BL.

 

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN& MT) đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến về Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Xin Thứ trưởng cho biết một số điểm mới cơ bản của Nghị định này so với quy định hiện hành?

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được quy định chi tiết ở Luật đất đai năm 2013 trên cơ sở kế thừa các quy định phù hợp với thực tiễn và đồng thời giải quyết những tồn tại đặt ra trong quá trình thực hiện; trong đó có nhiều điểm đổi mới quan trọng, cụ thể: Giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất; quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất; quan tâm hơn đến đảm bảo sinh kế cho người có đất thu hồi thông qua quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư; quy định trách nhiệm trong việc lập các khu tái định bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền; quy định quyền tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Trong nội dung Nghị định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lần này quy định chi tiết một số vấn đề mà Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn như: xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường; bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp vượt hạn mức do nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất do cộng đồng dân cư, thu hồi đất ở; bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các trường hợp thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún đe dọa tính mạng con người; bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất; phương thức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Quy định về hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở. Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở. Quy định về việc hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, về lập và thực hiện dự án tái định cư.

Quy định về suất tái định cư tối thiểu để đảm bảo ổn định chỗ ở cho người có đất ở bị thu hồi.

Các quy định trên nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và thống nhất trong thực hiện; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích và an sinh cho người có đất bị thu hồi; giải quyết các vướng mắc, bất cập hiện nay trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

PV: Thưa Thứ trưởng, hiện nay mức hỗ trợ và bồi thường còn có chênh lệch lớn, thậm chí hỗ trợ cao hơn bồi thường. Trong dự thảo nghị định có những quy định cụ thể gì về mức bồi thường, hỗ trợ để thỏa đáng cho người dân và tránh chênh lệch giữa các mức, giữa các vùng miền khác nhau trên cả nước?

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Hiện nay, có ý kiến cho rằng quy định về các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp cao hơn mức bồi thường. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng quy định hỗ trợ hiện nay (hỗ trợ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp) là phù hợp, thực tiễn triển khai đã giải quyết được các vướng mắc trong thu hồi đất nông nghiệp; đồng thời đảm bảo ổn định đời sống, tạo việc làm cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị mất đất.

Để bồi thường, hỗ trợ để thỏa đáng cho người dân và tránh chênh lệch giữa các mức, giữa các vùng miền khác nhau trên cả nước, Luật đất đai và Dự thảo Nghị định quy định:

Thứ nhất là, tách bạch các khoản bồi thường, hỗ trợ. Tôi lấy ví dụ theo quy định hiện hành thì người có đất bị thu hồi được Nhà nước hỗ trợ chi phí di chuyển nhưng theo quy định của Luật đất đai năm 2013 và dự thảo Nghị định thì quy định khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì Nhà nước bồi thường chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt.

Thứ hai là, quy định việc bồi thường theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất nhằm đảm bảo bồi thường đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất.

Thứ ba là, việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quy định này nhằm góp phần hạn chế sự bất cập về chênh lệch giá giữa các địa phương, vùng miền.

Thứ tư là, việc hỗ trợ được xem xét cho từng đối tượng bị thu hồi đất, mức hỗ trợ được xác định theo bảng giá đất do địa phương ban hành. Để hạn chế mức chênh lệch về hỗ trợ giữa các địa phương Nghị định quy định tăng dày vùng giá đất trong khung giá đất theo 7 vùng kinh tế, trong mỗi vùng kinh tế được xác định theo 3 loại xã đồng bằng, trung du, miền núi; đối với đất ở tại đô thị, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị thì khung giá đất được quy định theo 6 loại đô thị. Tăng dày vùng giá trị trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để hạn chế mức chênh lệch về hỗ trợ giữa các địa phương và giữa các dự án.

Các quy định này sẽ đảm bảo việc bồi thường đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất và hạn chế những bất cập về chênh lệch giá đất tính bồi thường và hỗ trợ giữa các vùng miền khác nhau trên cả nước.

PV: Dư luận rất quan tâm đến mức hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp. Quy định mới sẽ xây dựng theo hướng nào để bảo đảm công ăn việc làm cũng như đời sống cho người nông dân bị thu hồi đất, thưa Thứ trưởng?

Dự thảo Nghị định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sẽ quy định cụ thể, đầy đủ các hình thức hỗ trợ như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, bảo đảm công ăn, việc làm cũng như đời sống cho người nông dân bị thu hồi đất. Ngoài các mức hỗ trợ Dự thảo nghị định giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất nông nghiệp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, chỉ đạo lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề phải lấy ý kiến của người bị thu hồi đất.

Dự thảo Nghị định có đưa ra các phương án về mức hỗ trợ để lấy ý kiến theo hướng là làm thế nào đảm bảo ổn định đời sống, tạo việc làm cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất.

PV: Việc xác định giá đất luôn là vấn đề khó khăn khi thực hiện thu hồi đất, đặc biệt là chênh lệch giữa bảng giá do Nhà nước ban hành và giá thị trường. Dự thảo nghị định về giá đất sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Thực tế trong những năm qua, giá đất trong bảng giá đất của khá nhiều địa phương ban hành chưa sát với giá đất thị trường, trong khi đó việc xác định lại giá đất (định giá đất cụ thể) để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chưa có hướng dẫn về quy trình thực hiện. Để khắc phục bất cập này, tại Điều 114 của Luật Đất đai đã quy định bảng giá đất chủ yếu được áp dụng để tính thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính các khoản thuế, lệ phí liên quan đến sử dụng đất. Đối với trường hợp tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể; việc định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu về đất đai và áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.

Thể chế hóa nội dung định giá đất cụ thể mà Luật Đất đai đã giao cho Chính phủ, dự thảo Nghị định quy định về giá đất đã quy định các phương pháp định giá đất, căn cứ và nội dung định giá đất cụ thể; quy định trình tự các bước thực hiện việc định giá đất cụ thể; quy định cụ thể thành viên Hội đồng thẩm định giá đất để thẩm định giá đất trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định việc định giá đất theo từng loại đất chính gồm: đất nông nghiệp, đất ở, đất thương mại, dịch vụ và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng định giá đất nói chung, trong đó có việc định giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

PV: Trong dự thảo Nghị định có quy định về việc lựa chọn tư vấn để xác định giá đất, quy trình lựa chọn sẽ thực hiện theo các bước như thế nào, vai trò của cơ quan tư vấn thể hiện như thế nào trong việc định giá, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Về vai trò của tư vấn định giá đất, tại Điều 114 và Điều 115 của Luật Đất đai đã quy định trong quá trình thực hiện định giá đất cụ thể, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất; căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Giá đất do tổ chức có chức năng tư vấn giá đất xác định là một trong các căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất.

Để lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá đất bảo đảm năng lực, đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện tư vấn xác định giá đất, dự thảo Nghị định quy định về giá đất đã xây dựng theo hướng căn cứ vào nhu cầu định giá đất cụ thể tại địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lựa chọn 01 hoặc nhiều tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất có đủ điều kiện hoạt động để thực hiện tư vấn xác định giá đất cụ thể; việc lựa chọn các tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Dự thảo Nghị định giao cơ quan chủ trì hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể quy định các tiêu chí để lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: ĐCSVN, 20/3/2014, Bích Liên