27/02/2015 18:47

Nhiều chuyển biến trong việc hỗ trợ phụ nữ sản xuất, giảm nghèo bền vững

Thực hiện khâu đột phá “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XI, các cấp Hội Phụ nữ đã góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo cho hội viên phụ nữ.

Xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Thực hiện khâu đột phá này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, giải pháp vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất kinh doanh được xác định dựa trên cơ sở đặc thù của 3 nhóm đối tượng: nghèo/cận nghèo, khá, doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh tính liên kết trong từng nhóm đối tượng và giữa các nhóm đối tượng.

Công tác vận động, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cũng có nhiều đổi mới về phương thức, cách làm theo hướng kết hợp đồng bộ các giải pháp hỗ trợ như dạy nghề gắn với tạo việc làm ổn định sau học nghề, phát triển sản xuất an toàn gắn với hỗ trợ vốn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Các hoạt động hỗ trợ vốn cho phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được triển khai theo nhiều kênh tín dụng khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đối với phụ nữ nghèo, cận nghèo, Hội tăng cường hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng chính sách ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình, dự án tài chính vi mô do Hội Phụ nữ các cấp trực tiếp quản lý. Đến nay, Hội Phụ nữ là đoàn thể đi đầu với 5 điểm “nhất” trong hoạt động ủy thác. Tính đến tháng 12/2014, dư nợ ủy thác là trên 51.538 tỷ đồng với hơn 2,8 triệu hộ nay, nợ quá hạn là 0,33%.

Đối với các hộ khá hoặc các mô hình kinh tế trang trại, nguồn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được xác định là kênh quan trọng hỗ trợ vốn cho phụ nữ. Song song với nguồn tín dụng chính sách, Hội Phụ nữ đã xây dựng “Định hướng chiến lược tài chính vi mô đến năm 2020 và những năm tiếp theo” để có thêm vốn cho phụ nữ nghèo với trên 750 tỷ đồng dự nợ vốn thu hút trên 108 nghìn thành viên tham gia, trong đó có hơn 5 nghìn phụ nữ nghèo.

Cùng với đó, việc vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hành tiết kiệm cũng được coi là hoạt động trọng tâm của các cấp Hội. Ngoài việc củng cố các mô hình tiết kiệm hiện có, nhiều mô hình, cách thức tổ chức mới đã xuất hiện không chỉ đầu tư cho chị em phát triển kinh tế mà còn tiết kiệm để mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện cho các thành viên trong gia đình, sửa chữa nhà cửa, đóng học phí cho trẻ… Đã có 23,8 triệu lượt hội viên phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm với số tiền lũy kế gần 9 nghìn tỷ đồng.

 


Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đã được các cấp Hội
triển khai thu hút gần 18 nghìn lao động nữ tham gia,
giúp nhiều hội viên thoát nghèo - Ảnh: Minh Châu


Thời gian qua, sự gia tăng về số lượng và nâng dần chất lượng các mô hình kinh tế tập thể do Hội Phụ nữ hỗ trợ thành lập đã chứng minh hướng đi đúng của Hội về giải pháp xây dựng mô hình sản xuất – kinh doanh – dịch vụ hiệu quả, bền vững. Mô hình này đã đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của phụ nữ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương.

Với phương thức Trung ương hỗ trợ xây dựng một vài mô hình kinh tế thí điểm để rút ra bài học kinh nghiệm về cách làm, hiệu quả của hoạt động này đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các ngành liên quan và chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ nguồn lực giúp các cấp Hội xây dựng các mô hình kinh tế tập thể.

Triển khai cách làm này, trong số 1.224 mô hình do Hội Phụ nữ thành lập từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, chỉ có 162 mô hình từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương còn lại là nguồn lực do các tỉnh Hội khai thác từ địa phương. Tính đến tháng 12/2014, với 1.224 mô hình kinh tế tập thể (bình quân hằng năm mỗi tỉnh xây dựng hơn 6 mô hình, vượt 4 mô hình so với kế hoạch) có 55 mô hình hợp tác xã, 312 tổ hợp tác và 857 tổ liên kết, tập trung nhiều trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với trên 70% là mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thu hút gần 18 nghìn lao động nữ tham gia.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ phụ nữ nghèo

Hoạt động giúp phụ nữ nghèo, hộ phụ nữ nghèo làm chủ vươn lên đã được các cấp Hội triển khai gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và xây dựng mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ. Hằng năm, các cấp Hội đều chủ động rà soát, nắm địa chỉ, hoàn cảnh của từng hộ để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp.

Với các hộ nghèo không còn khả năng lao động, cô đơn, tàn tật, Hội hỗ trợ bằng các chương trình an sinh xã hội, xây dựng mái ấm tình thương, tiếp sức cho trẻ đến trường… còn với hộ còn khả năng lao động, Hội tổ chức trang bị thêm về kiến thức, dạy nghề, hỗ trợ tiếp cận vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Công tác hỗ trợ được thực hiện theo hướng tập trung, không dàn trải, thoát nghèo bền vững. Với cách làm này, trong số trên 1,2 triệu hộ nghèo được Hội giúp đỡ, có trên 200 nghìn hộ đã thoát nghèo.

Theo tính toán, với việc thực hiện khâu đột phá “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”, chỉ chưa đầy 3 năm của nhiệm kỳ, các chỉ tiêu liên quan đều đã đạt và vượt, có những chỉ tiêu đến nay đã vượt trên 200%.

Tuy nhiên, vẫn cần có những giải pháp đặc thù cho một số nhóm đối tượng như phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhóm đối tượng yếu thế… Việc giới thiệu việc làm cho phụ nữ sau học nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với đối tượng phụ nữ trung niên không có điều kiện làm việc tại các khu công nghiệp./.

Nguồn: ĐCSVN/ Minh Châu