Nhiều năm gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu, tính phức tạp của dòng chảy sông ở hạ du về mùa cạn, nhu cầu dùng nước của các ngành kinh tế tăng cao… đã dẫn đến tình trạng nhiễm mặn tại vùng đồng bằng Bắc bộ ngày một lớn. Điều này đã gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh tế, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp của vùng.
Kết quả điều tra giám sát mặn của Trung tâm Thủy lợi, Môi trường ven biển và hải đảo (Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố tại buổi hội thảo gần đây cho thấy: Mặn bắt đầu xâm nhập vào sâu đất liền dọc theo các con sông khi mùa mưa kết thúc. Từ giữa đến cuối mùa khô, lượng nước từ thượng lưu đổ về ngày một giảm cũng là thời kì xâm nhập mặn nội địa đạt cực đại: độ mặn 10/00, chiều sâu xâm nhập mặn từ 25km đến 40km tính từ cửa biển tùy theo đặc điểm từng sông và sự điều tiết của các hồ chứa vào thời kỳ này.
Liên tiếp trong các năm từ 2004 – 2006, nước mặn đã lấn sâu vào sông trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ranh giới mặn 10/00 đã xâm nhập ngày càng sâu vào các sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Đặc biệt, trong tháng 1/2006, trên tất cả 3 vùng cửa sông, mặn đã xâm nhập sâu đến mức kỷ lục: trên sông Hồng mặn lấn đất sâu đến cửa cống Hạ Miêu I với độ mặn 7,20/00 cách biển 26km; trên sông Ninh Cơ, mặn lấn sâu đến cửa cống Múc 2 với độ mặn 1,70/00, cách biển tới 37km; trên sông Đáy mặn đã đến cửa cống Bình Hải I với độ mặn 50/00, cách biển 18km.
Bên cạnh đó, trên các sông thuộc hệ thống sông Thái Bình mặn đã xâm nhập vào đất liền sâu hơn các sông thuộc hệ thống sông Hồng và xu hướng lấn sâu vào đất liền năm sau sâu hơn năm trước. Độ mặn tại các cống lấy nước tưới vùng cửa sông ven biển vào mùa cạn vượt quá mức cho phép.
|
Xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa: nld.com.vn) |
Nguyên nhân dẫn đến xâm nhập mặn là do hiện tượng biến đổi khí hậu – nhiệt độ tăng và nước biển dâng. Theo thống kê, nước biển dâng cao 1m sẽ có 1.668 km2 đất thuộc Đồng bằng sông Hồng bị ngập, 1.874.011 người bị ảnh hưởng. Theo kịch bản thấp nhất của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đưa ra, vào năm 2020 vùng đồng bằng Bắc bộ nhiệt độ sẽ tăng 0,60C, mực nước biển dâng cao hơn 0,11m; lượng mưa về mùa khô giảm ở hầu hết các vùng khí hậu nước ta và lượng mưa thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 sẽ giảm từ 3 – 6%. Điều đó có nghĩa rằng, nếu không có những biện pháp kịp thời, diện tích ngập mặn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Xâm nhập mặn gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, làm giảm khả năng sinh trưởng phát triển của lúa. Tiêu biểu, vụ Đông Xuân 1987 - 1988 ở Xuân Thủy và vụ Đông Xuân 1998 - 1999 tại miền hạ huyện Nghĩa Hưng thuộc tỉnh Nam Định, đã có nơi lúa chết do nước lấy vào đồng có độ mặn vượt quá giới hạn cho phép. Một số vụ phải cấy chậm lại so với thời vụ tốt nhất do không lấy được nước vào đồng, dẫn đến thiệt hại lớn cho nông nghiệp.
Mặt khác, tại những vùng có cốt đất cao và vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn thường xảy ra hạn hán cục bộ. Tình trạng khó khăn về nguồn nước ngọt tưới lúa và các loại cây rau màu vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau diễn ra trên phần lớn các huyện ven biển thuộc các tỉnh, TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Ngoài ra, hiện tượng xâm nhập mặn còn gây nên tình trạng thay đổi môi trường sinh thái tại khu vực cửa sông, ven biển.
Tình trạng diện tích bị ngập mặn vùng ven biển Bắc bộ đang diễn ra ngày một phức tạp, trong khi đó, thực tế, công tác giám sát và dự báo xâm nhập mặn phục vụ lấy nước sản xuất trong thời gian qua mới đáp ứng phần nào yêu cầu sản xuất.
Theo ông Sái Hồng Dương - Giám đốc Trung tâm Thủy lợi, Môi trường ven biển và hải đảo (Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc giám sát mặn hiện nay chủ yếu bằng phương pháp thủ công, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ yếu tố chủ quan của con người nên kém chính xác và tốn kém. Để tăng cường công tác giám sát mặn cần chú ý đến việc bổ sung các phần mềm với mô hình toán mới vào dự báo; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ nghiên cứu sử dụng mô hình toán trong công tác dự báo. Mặt khác, cần quan tâm đến công tác tiếp nhận, chuyển giao công nghệ giám sát, dự báo tiên tiến từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Dương, việc kiểm tra, giám sát, dự báo xâm nhập mặn vùng ven biển nói chung và vùng Bắc bộ nói riêng cần được tiến hành thường xuyên và lâu dài. Trong đó, phương pháp quan trọng vẫn là đầu tư xây dựng những trạm quan trắc giám sát mặn tự động thay thế những trạm quan trắc thủ công./.
Nguồn: BT/ ĐCSVN, 11/3/2014