Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Ngày đầu năm mới, xin chúc đồng chí và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc. Nhìn lại một năm đã qua, điều gì đồng chí thấy tâm đắc nhất? điều gì khiến đồng chí băn khoăn, trăn trở nhất?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điều tâm đắc nhất đối với tôi trong năm 2013 là Ban chấp hành TƯ Đảng đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đề án này kết tinh trí tuệ và tình cảm của toàn Đảng và cả xã hội, trong đó có sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà khoa học và quản lý giáo dục...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
(Ảnh VA)
Còn về những điều băn khoăn, trăn trở… Tôi không có gì băn khoăn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình và đã nhận được sự đánh giá công bằng của nhân dân, phụ huynh và cả bạn bè quốc tế. Nhưng trăn trở thì còn nhiều. Khi Trung ương chưa ra nghị quyết thì chúng tôi nỗ lực hoàn thiện Đề án trình Trung ương thảo luận, xem xét. Khi Trung ương ban hành nghị quyết, chúng tôi ngay lập tức phải phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương lo việc tổ chức, phối hợp triển khai Nghị quyết một cách có hiệu quả. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW, sớm đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn thành việc xây dựng đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, đang gửi xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ.
PV: Trong lần trả lời báo chí, đồng chí đã từng nói “Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn”. Vậy đồng chí có thể cụ thể hóa “trận đánh lớn” này là như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi có dùng hình ảnh “một trận đánh lớn” để nói đến lực lượng gồm nhiều binh chủng, phối hợp nhiều chiến dịch, giải quyết nhiều mục tiêu. Ví dụ như: mục tiêu cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả đất nước ta đi lên xây dựng CNXH...Giáo dục cũng vậy, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện mục tiêu này phải triển khai từng bước. Chúng tôi đã thảo luận và đi đến thống nhất sẽ bắt đầu từ những khâu xung yếu nhất, không cần phải đầu tư nhiều kinh phí mà vẫn có thể bảo đảm được yếu tố chắc thắng nếu chuẩn bị chu đáo, từ đó sẽ lan tỏa, làm lay chuyển các khâu khác. Đối tượng của giáo dục là con người, không có chỗ cho thử nghiệm thắng hay không thắng, mà phải chắc chắn thắng.
PV: Vậy "trận đánh lớn" đổi mới giáo dục bắt đầu là ở đâu?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Để thực hiện thành công đổi mới giáo dục lần này, chúng tôi cho rằng đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là khâu khởi đầu và theo tôi, có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí là yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Bởi vì, nếu không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì không thể có chương trình, kế hoạch chuẩn xác để triển khai được.
Chúng tôi xác định đổi mới quản lý là giải pháp then chốt. Bởi vì đổi mới giáo dục và đào tạo không phải là việc của riêng Bộ GD&ĐT hay Bộ trưởng, mà là của gần 2 triệu thầy cô giáo, của 20 triệu học sinh, sinh viên. Mà cũng không phải chỉ có 22 triệu thầy cô giáo, học sinh, sinh viên ngành giáo dục triển khai đổi mới. Trên thực tế, tất cả các ngành, các cấp, cả xã hội sẽ cùng với chúng tôi thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo, phối hợp rất ăn khớp và đồng bộ.
Trong nội bộ ngành giáo dục, chúng tôi xác định đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá vì các lý do sau: Thứ nhất, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang nặng về ứng thí, đổi mới thi cử sẽ dẫn ngay đến đổi mới trong nội dung, phương pháp học và dạy. Đổi mới thi cử không là mục tiêu cuối cùng, nhưng nếu làm tốt sẽ làm lay chuyển các khâu xung yếu khác, dẫn đến sự thay đổi trong cả hệ thống và sẽ tạo ra những thay đổi về chất. Thứ hai, thi cử đang là một khâu gây nhiều bức xúc, được cả xã hội quan tâm. Thứ ba, nếu chuẩn bị chu đáo thì chúng ta có thể thực hiện được ngay đổi mới thi cử, đảm bảo được yếu tố chắc thắng mà không cần phải đầu tư nhiều kinh phí, cơ sở vật chất...
PV: Để đổi mới giáo dục được thành công thì vấn đề chấn chỉnh kỷ cương trong Giáo dục cũng không thể xem nhẹ, đồng chí có đánh giá gì về vấn đề này?
Bộ trưởng Bộ Phạm Vũ Luận: Vấn đề chấn chỉnh kỷ cương trong giáo dục có nhiều cái khó nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Ở đây, tôi muốn nói đến sự ủng hộ, chia sẻ của toàn xã hội, sự vào cuộc tích cực và đồng hành cùng ngành Giáo dục của các ngành, tổ chức xã hội và chính quyền địa phương. Ví dụ như: Sau khi chúng tôi ban hành những quy định chấn chỉnh vấn đề “lạm thu” và dạy thêm, học thêm tràn lan không đúng quy định, TP Đà Nẵng đã kỷ luật và luân chuyển hiệu trưởng vi phạm đi chỗ khác; TP Hà Nội yêu cầu các nhà trường có sai phạm xin lỗi và hoàn trả lại tiền cho phụ huynh học sinh… Đó là những ủng hộ rất quý báu. Hay như mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định giao Sở GD&ĐT Đà Nẵng quản lý các trường ĐHCĐ ngoài công lập (NCL) trên địa bàn; UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt việc kiểm tra, thanh tra các trường ĐHCĐ NCL đóng trên địa bàn. Nói thế để thấy chúng tôi không đơn thương độc mã trong việc chấn chỉnh kỷ cương của ngành. Cá nhân tôi hi vọng cả xã hội, các ngành, các cấp, các địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công của công việc này.
PV: Quyết định nào có lợi cho học sinh là người dân tộc thiểu số mà đồng chí hài lòng nhất?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Mới đây, sau một thời gian chúng tôi cùng các bộ, ngành khảo sát, phân tích, kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, theo đó, các em học sinh dân tộc thi đỗ đại học được hưởng chế độ như sinh viên cử tuyển, giúp các em có thêm điều kiện thuận lợi để theo học và sau đó trở về phục vụ quê hương.
Một quyết định khác cũng khiến tôi rất mừng là khi Thủ tướng ký ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ bổ sung chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo quy định trước đây, giáo viên miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học được hưởng phụ cấp thu hút trong 5 năm, sau thời gian này các thầy cô sẽ được trở về miền xuôi. Trên thực tế có phát sinh vấn đề: sau 5 năm, nhiều thầy cô ở lại miền núi công tác với nhiều lý do khác nhau như không tìm được chỗ làm việc dưới xuôi; có thầy cô đã lập gia đình, tạo dựng cuộc sống mới và gắn bó với các cháu và đồng bào nên không trở về xuôi… Nhưng dù với lý do gì, phải ở lại hay tự nguyện, thì những thầy cô này bị cắt phụ cấp thu hút sau 5 năm được hưởng. Điều này dẫn đến nghịch lý là người có thâm niên dạy học ở miền núi lại có thu nhập thấp hơn những giáo viên trẻ mới lên vùng núi nhận công tác.
Trong quá trình xây dựng Nghị định mới này, Bộ GD-ĐT đã phải giải trình rất nhiều. Tôi đã từng nói: Chúng ta phải có lời xin lỗi đối với các giáo viên ở lại miền núi, khi các thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời công tác của mình cho sự nghiệp giáo dục ở những nơi xa xôi này, trong khi chúng ta không thể bố trí “trả” cho các thầy cô một chỗ dạy ở quê hương dưới xuôi. Với các thầy cô, chúng ta đã không thể tăng thêm thu nhập thì thôi, không nên cắt giảm...
Với Nghị định 19 được ban hành, các đồng nghiệp của chúng tôi là người miền xuôi làm việc ở vùng cao có thêm nguồn thu nhập, nhưng quan trọng hơn là họ nhận được sự ghi nhận và tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, và chắc chắn họ sẽ có thêm động lực để hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
PV: Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng! Chúc Bộ trưởng va ngành Giáo dục một năm mới thành công!
Mỹ Anh (ghi), ĐCSVN, 31/1/2014.