02/02/2014 19:23

Năm mới, nỗ lực thực hiện giảm nghèo bền vững

Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ.

Tỷ trọng hộ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47% tổng số hộ nghèo
cả nước (Ảnh minh họa: Thế Dương)

Những thành tựu ấn tượng

Trong Báo cáo "Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới" của Ngân hàng thế giới ngày 24/1/2013 đã ghi nhận: Trong vòng 20 năm (1990 - 2010), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 20,7% với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo là trên 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. Trình độ học vấn tăng và sự đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp, cơ hội làm việc ở công trường, nhà máy... cũng đóng góp tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Không chỉ Ngân hàng thế giới mà nhiều nước và tổ chức quốc tế khác cũng đánh giá cao, coi Việt Nam là "một điểm sáng thành công" trong xóa đói giảm nghèo. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng vinh danh công nhận thành tích nổi bật trong xóa đói, giảm nghèo cho 38 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 1, hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015. Điều này khẳng định định hướng chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam là đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, mặc dù kinh tế đất nước còn không ít khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng. Vì thế, an sinh xã hội và giảm nghèo luôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Chính phủ những năm qua. Với những nỗ lực liên tục của cả hệ thống chính trị, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn dưới 10%. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước còn 7,8%, giảm 1,8% so với năm 2012; riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5%, từ 48,39% năm 2012 xuống còn 38,89%.

Điều phối viên Liên hợp quốc, bà Pratibha Mehta, cũng đánh giá cao những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam. Đồng thời khẳng định “Ở vị trí một nước có thu nhập trung bình thấp, những thành tựu giảm nghèo hiện tại là thực sự có ấn tượng”.

Tiếp cận đa chiều – phương pháp giảm nghèo bền vững

Tuy đạt được những thành tích ấn tượng về giảm nghèo thời gian qua, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi vẫn còn trên 50% (có nơi còn trên 60 - 70%). Ngoài ra, tỷ trọng hộ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47% tổng số hộ nghèo cả nước. Thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững từ nay đến năm 2020, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các vùng nghèo nhất, cho các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo, nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững, các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó mới đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo.

Theo Bộ trưởng, cần khuyến khích tăng cường tính tự chủ, vươn lên của người nghèo. “Việc hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng nhưng cần xác định xóa đói giảm nghèo là việc của bản thân người dân, phải làm cho người dân tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Vì vậy giai đoạn tới, chính sách nghèo cần được gắn với điều kiện, hạn chế việc hỗ trợ cho không; đồng thời quy định thời hạn tối đa hộ nghèo được hỗ trợ chính sách (từ 3 - 5 năm) nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Đáng lưu ý, vấn đề chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều được Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề cập đến như một giải pháp nhằm tăng độ bao phủ chính sách tới các đối tượng và thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả hơn. Đáng chú ý, được sự hỗ trợ từ Liên hợp quốc, Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia tiên phong trong nghiên cứu và áp dụng các phương pháp đo lường nghèo đa chiều để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng nghèo và thiết kế các chính sách, chương trình mục tiêu phù hợp hơn. Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi, trình Chính phủ phê duyệt để áp dụng sau năm 2015...

Tin rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, công tác xóa đói giảm nghèo năm 2014 sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn, góp phần từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững từ nay đến năm 2020.

Kim Thanh, ĐCSVN, 2/2/2014