11/08/2014 04:03

Mùa Vu lan báo hiếu lại về

Đã thành lệ, cứ dịp tháng bảy âm lịch, người dân Việt Nam lại chuẩn bị đón một mùa vu lan. Nó đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa nước ta. Đây cũng là thời điểm để mỗi người trong số chúng ta sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới cha mẹ và những số phận xung quanh mình.

Thực tế, trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, Đại lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ chung để những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành, dưỡng dục. Và để mỗi dịp này, người ta lại nhắc nhiều đến “Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha/Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhoà/Của những đứa con nhớ về cha mẹ…”

Lên chùa dự lễ Vu Lan, người còn mẹ thì cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ thì cài bông hồng trắng (Ảnh: Trang tin điện tử Phật giáo Việt Nam) 


Theo truyền thống Phật giáo ở nước ta, rằm tháng Bảy hàng năm là ngày lễ Vu Lan báo hiếu, là ngày xá tội vong nhân. Trong ngày lễ này, ngoài những nghi thức thông thường như: giảng kinh về đạo hiếu, phóng sinh… thì những người đến chùa dự lễ, mỗi người đều được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ thì được cài bông hồng trắng để mọi người nhớ về người mẹ của mình. Việc làm này nhằm cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha, còn mẹ thực hành sống thương yêu.

Khởi nguồn là ngày lễ của các Phật tử, lễ Vu Lan giờ đây đã trở thành lễ báo hiếu của người Việt Nam. Tinh thần mùa Vu Lan cũng được mở rộng ra không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo mà còn giáo dục tình yêu thương đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương cha mẹ, mọi người.  Lễ Vu lan báo hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”. Để rồi từ đó tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành.

Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam cho biết, rằm tháng 7 âm lịch - ngày lễ Vu lan là dịp con cháu thể hiện tinh thần báo ơn cha mẹ ông bà. Theo Hòa thượng Thích Thiện Tâm, đạo Phật luôn đề cao ơn nghĩa, ơn tình người khác tạo cho mình. Trong bốn cái trọng ơn, người phật tử luôn nhớ ơn và báo ơn tổ tiên cha mẹ hàng đầu.

Trong khi đó, Hòa thượng Thích Đức Thiện, Phó Ban thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nói rằng, mùa Vu lan báo hiếu là sự báo hiếu với cha mẹ, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã khuất.

Tại chùa, vào ngày Vu lan diễn ra nghi thức bông hồng cài áo. Người mất mẹ thì cài lên ngực mình bông hồng trắng, người còn mẹ cài bông hồng đỏ. Những bông hoa nhắc nhở con người ta về giá trị chữ hiếu cũng như ơn nghĩa đấng sinh thành.

Báo hiếu hiện nay không còn chỉ là dành tình cảm tưởng niệm đến những người đã mất mà còn phải nghĩ đến trách nhiệm của người con báo hiếu cha mẹ khi cha mẹ còn đang sống. Cho dù cuộc sống này vất vả thế nào cũng là thời điểm chúng ta dành thời gian về thăm cha mẹ, thắp nén hương tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, dòng họ...

Vào dịp lễ Vu lan, nhà nhà lại sắm sửa tiền vàng lễ vật gửi xuống cõi âm cho tổ tiên. Các nơi bán đồ vàng mã mỗi năm lại xuất hiện những món đồ mới hiện đại. Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, nhà nào cũng ra sức sắm sửa mong người nhà ở thế giới bên kia có cuộc sống tiện nghi nhất. Có cảm giác rằng xã hội ngày càng phát triển, việc tổ chức ngày lễ Vu lan có phần trở nên phô trương và mang tính trào lưu. Dưới góc nhìn bao dung của đạo Phật, việc báo hiếu bằng vật chất không phải là điều xấu. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, càng ngày càng có nhiều người sử dụng vật chất thái quá, cúng lễ lạt cho tổ tiên nhưng mang tính chất đổi chác, cầu mong tư lợi. Điều này cho thấy, việc làm này không chỉ quá “mê tín dị đoan” mà còn gây lãng phí cho gia đình, xã hội.

Thực tâm, việc báo hiếu bắt đầu ngay từ chính con người mình. Bản thân sống tốt, sống có ý nghĩa thì cha mẹ sẽ được hưởng an lạc. Chính vì vậy con người phải tự điều chỉnh hành vi, phải biết cống hiến phụng sự cho cha mẹ cả về vật chất lẫn tình cảm. Do đó, trong dịp này, chúng ta hoàn toàn có thể tùy theo từng hoàn cảnh mà tổ chức, quan trọng là nghĩ về “công cha nghĩa mẹ”. Có thể đơn giản chỉ là bữa cơm ấm cúng, thắp hương tổ tiên, thăm nom cha mẹ, món quà tấm bánh cho cha mẹ, thể hiện tình cảm... cũng là báo hiếu.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, giải thích, rằm tháng 7 có nhiều tên “lễ vu lan”, “xá tội vong nhân”… Sở dĩ như vậy vì dân gian quan niệm, ngày này người chết có thể phá ngục, thoát khỏi vòng tội lỗi. Theo quan niệm của Phật giáo, người nào lúc còn sống có tội lỗi, khi chết đi sẽ bị hình phạt, người nào sống tốt sẽ được giải thoát.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, cúng lễ hướng về người chết là quan niệm rất tốt đẹp. Lễ Vu Lan hướng về khía cạnh báo hiếu cha mẹ, nếu đến chùa ngày rằm tháng 7 sẽ thấy rất nhiều hình ảnh cảm động từ lễ Hoa hồng cài áo.

Cũng theo Giáo sư Thịnh, để báo hiếu cha mẹ, người ta thực hành 2 loại hiếu theo lời Phật dạy là "hiếu thế gian" và "hiếu xuất thế gian". Hiếu thế gian là cung dưỡng cha mẹ cơm ăn, nước uống, chỗ ở, nơi nằm, chữa bệnh thuốc thang, tiện nghi sử dụng... "Hiếu xuất thế gian" là đưa cha mẹ vào lễ nghi giáo hóa, đi chùa đi chiền, bỏ điều ác, làm điều thiện để khi chết được siêu sinh tịnh độ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, hãy tặng cha mẹ bằng sự cố gắng và sống tử tế với tất cả mọi người, cả thế gian và thiên nhiên.

Có thể thấy, lễ Vu Lan là dịp nghĩ về người đã khuất để con người sống tốt hơn, hướng thiện hơn, từ đó điểu chỉnh hành vi giữa con cái, cha mẹ. Ngoài ra, trong ngày này, tưởng nhớ kẻ lang thang, vong hồn đã khuất và cúng tổ tiên, ông bà... con người sẽ cảm thấy bình an, ấm lòng hơn.

Điều này cũng lý giải rằng, cài bông hồng đỏ hay bông hồng trắng mùa Vu Lan có thể chỉ là hình thức về nghi lễ, nhưng thực sự nó là cần thiết. Để nhắc nhớ con người ta giữa nhịp ngày hối hả, giữa cuộc đời bề bộn chen đua, hãy biết dừng lại mà sống chậm hơn, đừng nhìn xa mãi, nhìn khắp mọi nơi mà quên đi không nhìn gần lại, ngay xung quanh mình là những người thân đã - đang và sẽ vẫn dành tình cảm yêu thương cho cuộc đời mình. Và mình đã thực sự hết lòng sống cho gia đình, cho những tình cảm thiêng liêng và cao quý ấy chưa?

Như ai đó đã nói rằng, khi cài một bông hồng lên ngực, thật gần nơi tim, có lẽ chúng ta mới cảm nhận rõ hơn bao giờ hết một điều rằng: Mỗi người chỉ có một gia đình, mất đi không bao giờ có lại. Và mẹ cha luôn là vốn liếng yêu thương nhất cho mỗi cuộc đời...

Nguồn: ĐCSVN, 10/8/2014, Lê Nguyễn