17/03/2014 10:45
Cỡ chữ
Chuẩn Tương phảnLao động Việt Nam thiếu kỹ năng mềm
Trong số các kỹ năng lao động, kỹ năng tổng quát (kỹ năng mềm) gồm: làm việc nhóm, giao tiếp, thích nghi với sự thay đổi và tình huống mới là nhóm kỹ năng mà người lao động Việt Nam còn thiếu hụt nhiều nhất.
|
Ảnh minh họa: KT |
Đây là kết quả khảo sát “Nhu cầu kỹ năng lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài” do Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA) và Tập đoàn Manpower - Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dịch vụ việc làm thực hiện công bố ngày 6/3 tại Hà Nội. Khảo sát này được thực hiện trong 3 ngành: hàng tiêu dùng, điện tử và lắp ráp ô tô, xe máy, tại 100 doanh nghiệp FDI thuộc 6 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong số các kỹ năng lao động, kỹ năng tổng quát (kỹ năng mềm) gồm: làm việc nhóm, giao tiếp, thích nghi với sự thay đổi và tình huống mới là nhóm kỹ năng mà người lao động Việt Nam còn thiếu hụt nhiều nhất. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá kỹ năng tổng quát và kỹ năng chuyên môn có tầm quan trọng ngang nhau trong quyết định tuyển dụng của họ.
Khảo sát cũng chỉ ra khuynh hướng đáng lo ngại hiện nay là một số doanh nghiệp FDI lấy lao động họ cần từ các doanh nghiệp cạnh tranh, thay vì đầu tư vào đào tạo lao động. Điều này, có thể tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh về lương, khiến các công ty không muốn đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng lao động nữa. Cũng theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp FDI không bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng kinh tế, bằng chứng là hơn nửa các doanh nghiệp FDI được điều tra cho biết, họ vẫn lớn mạnh và chỉ 5% chịu thua lỗ. Mặc dù, phần lớn các doanh nghiệp FDI đều hướng tới việc đầu tư vào công nghệ và sản xuất các công đoạn phức tạp hơn tại Việt Nam nhưng chiến lược tuyển và sử dụng nhân lực hiện nay vẫn nghiêng theo hướng tận dụng lợi thế lao động giản đơn, chi phí thấp. Điều này, có thể gây trở ngại cho sự phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trong tương lai.
Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị cần phát triển kỹ năng nghề tổng quát ở mọi cấp độ giáo dục, nên bắt đầu ngay ở bậc tiểu học và tiếp tục phát triển lên các cấp học cao hơn. Các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng quan hệ hợp tác giữa các trường dạy nghề và doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện cho các giám đốc, kỹ sư, người lao động có kinh nghiệm từ các doanh nghiệp FDI tham gia xây dựng chương trình đào tạo nghề, góp ý biên soạn giáo trình giảng dạy để bảo đảm sự thống nhất giữa đào tạo và nhu cầu thị trường.../.
Nguồn: ĐCSVN/Kim Thanh