| Một góc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: chinhphu.vn |
Từ một buôn làng của đồng bào Êđê và qua nhiều thăng trầm, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang vươn mình hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại để xứng đáng là một đô thị hạt nhân trung tâm vùng Tây Nguyên. Thành phố Buôn Ma Thuột được xác định là địa phương có nhiều lợi thế, một trong những trung tâm công nghiệp vùng, đầu mối giao thông liên vùng quan trọng để phát triển giao lưu kinh tế giữa Tây Nguyên và cả nước. Buôn Ma Thuột cũng có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối phát triển, hệ thống các trường học, bệnh viện được đầu tư hiện đại. Với những lợi thế như vậy, Đắk Lắk đã định hướng đến năm 2020 trở thành đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên. Trong đó, thành phố tập trung đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao và dịch vụ. Thành phố cũng đầu tư phát triển đô thị từng bước hiện đại, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội đô thị và nông thôn gắn phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng sống của đồng bào các dân tộc… Buôn Ma Thuột hiện có 13 phường, 8 xã, diện tích tự nhiên 377,18 km vuông, với dân số gần 400 ngàn người. Những năm qua, thành phố đã phát triển nhanh về kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2001 - 2010 đạt 14,52%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2013, tổng giá trị đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt trên 6.086 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2012; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,2 triệu đồng, tăng 9,37% so với năm 2012. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Thủ Đô, thành phố phấn đấu đến năm 2015, GDP tăng gấp 2,16 lần và đến năm 2020 tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng kinh tế đến năm 2015 đạt 16 đến 17%/năm và đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1% dân số. Trước mắt, ngay trong năm 2014, Buôn Ma Thuột xác định tiếp tục ổn định kinh tế phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang, nâng cấp và mở rộng đô thị, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc… Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2025 và Đề án xây dựng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2012-2020. Theo đó, quy hoạch chung xác định tầm nhìn của thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2025 sẽ là một đô thị kết nối với các đầu mối kinh tế như giao thông, thương mại, công nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục…hiện đại, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và của cả nước. Thành phố cũng có kế hoạch thực hiện theo 3 chiến lược quy hoạch phát triển không gian: Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị quy tụ các đầu mối giao thông, các trung tâm kinh tế, xã hội cấp vùng; thành phố phát triển bền vững gắn với thiên nhiên, vùng sinh thái rừng và cây công nghiệp; thành phố mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống Tây Nguyên. Để xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trong tương lai theo đúng các định hướng đề ra, tỉnh Đắk Lắk cũng như thành phố Buôn Ma Thuột tập trung nguồn lực cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ đi qua đô thị, phát triển các dự án giao thông vành đai, giao thông nội thị, dành quỹ đất thích hợp cho các trung tâm vùng trong tương lai, xây dựng, phát triển vùng xanh bao quanh nội thị. Thành phố cũng siết chặt quy hoạch, hạn chế phát triển tràn lan các khu dân cư theo các trục lộ, lựa chọn, bảo tồn 5 đến 7 buôn trong tổng số 33 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời, đầu tư ưu tiên phát triển công nghệ sạch, ít ô nhiễm gắn với nghiên cứu sinh học, sinh hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp trên địa bàn./. Nguồn: Theo TTXVN/ ĐCSVN, 10/3/2014. |